Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi đài này cho ra mắt ba “người dẫn” mới với diện mạo và phong cách được thiết kế nhằm thu hút thế hệ Gen Z.
Sự thay đổi này đã nhận về nhiều phản ứng trái chiều từ giới truyền thông và công chúng Ba Lan.
Theo Đài CNN, OFF Radio Kraków đã giới thiệu các sản phẩm AI với tên gọi Jakub "Kuba" Zieliński, Alex "AI" Szulc, và Emila "Emi" Nowak – được quảng bá là đại diện của thế hệ trẻ, hướng tới nội dung văn hóa, nghệ thuật và xã hội.
Lãnh đạo đài, ông Marcin Pulit, cho biết việc sử dụng AI sẽ giúp tìm hiểu liệu công nghệ này là một cơ hội hay mối đe dọa đối với ngành truyền thông.
Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Ông Mateusz Demski, một nhà báo kỳ cựu vừa bị sa thải, đã công khai phản đối quyết định này và cho rằng đây là “một tiền lệ nguy hiểm.”
Ông Demski bày tỏ lo ngại rằng việc sử dụng AI có thể dẫn đến viễn cảnh nơi các nhà báo giàu kinh nghiệm trong ngành sáng tạo bị thay thế bởi máy móc.
Lời phản đối của ông Demski nhanh chóng được công chúng ủng hộ, với hơn 15.000 người ký vào bản kiến nghị yêu cầu OFF Radio Kraków xem xét lại quyết định của mình.
Trong khi đó, Bộ trưởng Các vấn đề Kỹ thuật số Ba Lan Krzysztof Gawkowski cũng bày tỏ sự lo ngại trên mạng xã hội X, nhấn mạnh rằng AI cần phải phát triển vì lợi ích của con người, không nên trở thành mối đe dọa.
Động thái của OFF Radio Kraków đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của ngành báo chí.
Mặc dù AI có thể giúp giảm chi phí và mang lại một số tiện ích, nhưng sự thay thế các nhà báo “người thật” có thể làm giảm chất lượng và sự đa dạng của nội dung truyền thông.
Quyết định này của đài phát thanh Ba Lan có thể trở thành tâm điểm trong cuộc tranh luận về giới hạn và mục tiêu của AI trong ngành truyền thông, khi công nghệ ngày càng chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực trong đời sống con người.