Vụ kiện tập thể này là một trong những hành động pháp lý đầu tiên xuất hiện khi Delta, CrowdStrike và Microsoft tham gia vào một 'cuộc chiến công khai' về việc ai chịu trách nhiệm cho sự cố ‘sập mạng’ trên diện rộng vào ngày 19/7 - khiến Delta và hàng trăm công ty khác trên toàn cầu bị tê liệt.
Delta bị cáo buộc từ chối hoàn tiền tự động cho một số hành khách bị hủy chuyến bay. Trong những trường hợp khác, hãng chỉ hoàn tiền một phần nếu hành khách ký vào giấy miễn trừ khiếu nại cho hãng.
Đơn kiện cũng cáo buộc Delta từ chối cung cấp cho hành khách bị ảnh hưởng các phiếu ăn, khách sạn và vận chuyển mặt đất, khiến họ "buộc phải chi hàng nghìn đô la cho các khoản chi phí bất ngờ".
Vụ kiện nhằm mục đích để Delta hoàn tiền cho mọi khách hàng có hoàn cảnh tương tự đã chịu thiệt hại.
Một nguyên đơn bay từ Denver đến Amsterdam trên chuyến bay của hãng Delta phải đối mặt với việc hủy chuyến bay cả đi, về và phải trả tiền cho chuyến bay cả hai chiều trên một hãng hàng không khác.
Delta nói với nguyên đơn rằng, việc hoàn tiền cho các chuyến bay bị hủy sẽ được tự động thực hiện nhưng 10 ngày sau đó hãng nói với họ rằng, họ sẽ phải gửi yêu cầu hoàn tiền.
“Vào ngày 31/7/2024, nguyên đơn đã nộp hai yêu cầu hoàn tiền: một cho chuyến bay bị hủy ban đầu và một cho chi phí tự trả của mình. Đáp lại, Delta đã cung cấp cho nguyên đơn một phiếu mua hàng trị giá 100 đô la để sử dụng cho chuyến bay trong tương lai với Delta”, đơn kiện cho biết. Tổng chi phí hành khách này tự trả được báo cáo là gần 2.000 đô la.
Những nguyên đơn khác cho biết, họ phải đi xe buýt Greyhound về nhà vì các khách sạn và dịch vụ cho thuê xe ở Atlanta, trung tâm của Delta, đã kín chỗ.
Một người khác cho biết, họ đã bỏ lỡ chuyến du lịch 10.000 đô la do chuyến bay bị hủy.
Delta Air Lines từ chối bình luận về vụ kiện nhưng CEO của hãng, Ed Bastian, đổ lỗi hoàn toàn cho CrowdStrike một trong những hãng an ninh mạng lớn nhất thế giới và cho biết sự cố máy tính khiến hãng hàng không này thiệt hại 500 triệu đô la.