Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đức "ủng hộ hoàn toàn" các chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên

VOH - Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Kim Gunn có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc vụ thuộc Bộ Ngoại giao Đức Tobias Lindner để thảo luận về hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Thông tin trên được Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết vào ngày 20/4.

Theo Yonhap, trong cuộc gặp tại Berlin, ông Kim Gunn đã chia sẻ đánh giá về tình hình an ninh hiện tại trên bán đảo Triều Tiên và thảo luận về các cách thức nâng cao hợp tác song phương nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.

Ông Kim Gunn cũng nêu bật sự cần thiết rằng Triều Tiên phải nhận thức được "ý chí kiên quyết" của cộng đồng quốc tế đối với vấn đề phi hạt nhân hóa, đồng thời hối thúc hợp tác toàn cầu để cải thiện tình hình nhân quyền ở Triều Tiên.

triều tiên, tên lửa
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) loại mới sử dụng nhiên liệu rắn Hwasongpho-18. - Ảnh: TTXVN

Đọc thêm: Triều Tiên sẵn sàng phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên

Bộ trưởng Quốc vụ thuộc Bộ Ngoại giao Đức Tobias Lindner bày tỏ "ủng hộ hoàn toàn" các chính sách của Hàn Quốc đối với Triều Tiên, nhấn mạnh rằng Đức không chỉ là một đối tác quan trọng của Hàn Quốc mà còn ở cấp độ đa quốc gia với tư cách là thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ để đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán vào thời điểm hai nước kỷ niệm 140 năm thiết lập quan hệ song phương.

Tháng 9/2022, Triều Tiên đã thông qua luật “Chính sách về lực lượng hạt nhân”.

Luật mới cập nhật học thuyết quân sự của CHDCND Triều Tiên, thay thế cho luật có từ năm 2013, vốn quy định CHDCND Triều Tiên có thể dùng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi cuộc xâm lược hoặc cuộc tấn công của một quốc gia hạt nhân thù địch và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa.

Vượt ra khỏi khuôn khổ của luật cũ, luật mới cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu “tự động” và “ngay lập tức” nếu họ phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào “các mục tiêu chiến lược” của mình, trong đó có giới lãnh đạo của nước này.

Bình Nhưỡng coi vũ khí hạt nhân là “lực lượng phòng thủ chủ lực bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước, tính mạng, sự an toàn của nhân dân trước sự đe dọa, xâm chiếm, tấn công của quân đội bên ngoài”. Đây được xem là biện pháp răn đe “hiệu quả”.

Lãnh đạo nước này khẳng định, với luật mới này, “trạng thái quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân của chúng ta trở nên không thể đảo ngược”.

Bình luận