Tiêu điểm: Nhân Humanity

Elon Musk gây bão chính trường Đức với phát ngôn gây tranh cãi

VOH - Tỷ phú Elon Musk vừa khiến dư luận Đức dậy sóng sau bài đăng ủng hộ đảng cực hữu AfD trên nền tảng mạng xã hội X, chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử liên bang.

Phát ngôn của Elon Musk tuyên bố: "Chỉ có AfD mới có thể cứu nước Đức". AfD là đảng chống nhập cư, đang xếp thứ hai trong các cuộc thăm dò dư luận. Phát ngôn này ngay lập tức nhận về phản ứng dữ dội từ các chính trị gia và dư luận Đức.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach chỉ trích hành động của ông Musk là “thiếu đúng đắn” và “can thiệp không phù hợp” vào cuộc bầu cử. Thủ tướng Olaf Scholz cũng nhấn mạnh quyền tự do ngôn luận, nhưng ám chỉ rằng những phát ngôn thiếu trách nhiệm có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến bối cảnh chính trị.

Không dừng lại ở đó, ngay sau vụ tấn công khủng bố bằng xe ở chợ Giáng sinh tại Magdeburg làm 21 người thương vong, ông Musk tiếp tục đăng trên X: "Thủ tướng Scholz nên từ chức ngay lập tức. Đúng là vô dụng".

Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk

Phát ngôn này khiến dư luận Đức càng thêm phẫn nộ, với nhiều chính trị gia kêu gọi giám sát chặt chẽ hoạt động của nền tảng X do ông Musk sở hữu.

Christian Lindner, lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (FDP), phản ứng mạnh mẽ bằng lời mời gặp trực tiếp Musk để thảo luận về chính sách, đồng thời chỉ trích AfD là đảng cực hữu, đi ngược lại tinh thần tự do và kinh doanh.

Cựu Nghị sĩ Elmar Brok cũng không ngần ngại gọi đây là "ảo tưởng thống trị thế giới" của Musk, trong khi chính phủ Đức chỉ đưa ra phản hồi chung chung, từ chối bình luận chi tiết.

Alice Weidel, lãnh đạo đảng AfD, không bỏ lỡ cơ hội tận dụng phát ngôn của Musk để khuếch trương hình ảnh. Bà đăng lại bài viết của Musk kèm lời chúc mừng Giáng sinh và bày tỏ sự đồng tình.

Động thái này càng khẳng định lập trường của AfD, một đảng vốn bị chỉ trích vì quan điểm cực đoan, trong cuộc bầu cử liên bang diễn ra vào tháng 2/2025.

Đây không phải lần đầu tiên Elon Musk gây tranh cãi trên chính trường châu Âu. Trước đó, ông đã bày tỏ ủng hộ các lực lượng chống nhập cư tại Anh và Italy, đồng thời công khai ủng hộ Tổng thống Argentina Javier Milei, người được biết đến với chính sách cắt giảm chi tiêu công.

Phát ngôn của Musk không chỉ gây chia rẽ trong dư luận Đức, mà còn làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của các tỷ phú công nghệ trong chính trị quốc tế. Khi cuộc bầu cử Đức đang đến gần, sự can thiệp của Musk hứa hẹn sẽ tiếp tục là chủ đề nóng, đặt ra nhiều câu hỏi về vai trò và trách nhiệm của ông trong bối cảnh này.

Bình luận