Ngày 17/10, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tái khẳng định cam kết mạnh mẽ của khối đối với Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp sự hỗ trợ cần thiết để nước này tiến hành các cải cách nhằm đạt được mục tiêu gia nhập EU.
Quyết định này được đưa ra sau cuộc họp thượng đỉnh Hội đồng châu Âu diễn ra cùng ngày tại Brussels.
Kết luận của hội nghị nêu rõ EU sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Ukraine và hỗ trợ các nỗ lực cải cách của nước này trên con đường gia nhập EU.
Các nhà lãnh đạo EU cũng cho biết họ vẫn cam kết hỗ trợ Ukraine trong việc sửa chữa, phục hồi và tái thiết, phối hợp với các đối tác quốc tế. Hội nghị khôi phục Ukraine tiếp theo sẽ được Italy tổ chức vào tháng 7/2025.
Các nhà lãnh đạo EU xác nhận rằng EU vẫn cam kết hỗ trợ những người phải di dời chỗ ở do cuộc xung đột Nga-Ukraine, cả ở Ukraine và ở EU, trong đó có hỗ trợ tài chính đầy đủ và linh hoạt cho các quốc gia thành viên chịu gánh nặng lớn nhất từ chi phí y tế, giáo dục và sinh hoạt cho người tị nạn.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không ít lần cảnh báo sự thiếu thống nhất trong nội bộ EU liên quan tới việc chính thức khởi động tiến trình đàm phán "sẽ gây hoài nghi về những vấn đề khác".
Theo TASS, phát biểu với báo giới lúc bấy giờ, cả ông Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) tiếp tục bày tỏ ủng hộ Ukraine gia nhập EU.
Trên thực tế, lịch sử EU cho thấy quá trình đàm phán để kết nạp một ứng cử viên là một hành trình phức tạp, khó khăn và tốn kém, kéo dài trong nhiều năm, thậm chí hàng thập niên và đòi hỏi cam kết đặc biệt từ quốc gia ứng viên. Họ được yêu cầu thực hiện một danh mục dài các cải cách theo tiêu chuẩn EU. Thổ Nhĩ Kỳ chính là một dẫn chứng cụ thể.
Giới quan sát cho rằng, Ukraine sẽ khó có được tư cách thành viên EU trong thời gian ngắn. Trở ngại đáng kể khác là cuộc xung đột Nga-Ukraine đang kéo dài hiện nay.