Tiêu điểm: Nhân Humanity

Gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine lần đầu tiên có cả đạn chùm

VOH - Trong gói hỗ trợ quân sự mới nhất trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, Mỹ lần đầu tiên quyết định cung cấp Đạn Thông thường Cải tiến Lưỡng dụng (DPICM, hay còn gọi là đạn chùm).

Đạn chùm (hay bom chùm) là loại vũ khí bị cấm tại hơn 100 quốc gia. Phía Ukraine cho rằng động thái này của Mỹ sẽ có "tác động tâm lý lớn lao" đến lực lượng Nga. 

Được thiết kế trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, đạn chùm là các đầu đạn đối đất được thiết kế để khi nổ sẽ rải nhiều đầu đạn nhỏ trên một khu vực rộng để gây sát thương tối đa. Những loại đạn chùm này thường được dùng để chống lại tăng thiết giáp và gây sát thương với bộ binh. Mỹ bắt đầu phát triển đạn chùm từ những năm 1950.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/7 cho biết "rất khó khăn" khi đưa ra quyết định cung cấp đạn chùm cho Ukraine, nhưng số đạn pháo của Ukraine hiện "không còn đủ".

Trước đó, Lầu Năm Góc công bố gói viện trợ quân sự thứ 42 trị giá 800 triệu USD cho Ukraine với "các tổ hợp pháo và đạn dược, trong đó có đạn chùm (DPICM) với hiệu quả cao và đáng tin cậy". Cơ quan này cho biết "đã tham vấn rộng rãi với quốc hội Mỹ cùng các đồng minh và đối tác" về quyết định này.

Cố vấn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết phía Ukraine đã đưa ra cam kết bằng văn bản rằng sẽ sử dụng đạn chùm vô cùng cẩn trọng để không gây nguy hiểm cho dân thường. 

Gói viện trợ quân sự mới nhất của Mỹ cho Ukraine lần đầu tiên có cả đạn chùm
Một quả đạn chùm được tháo gỡ từ một tên lửa phóng loạt tầm xa (MSLR) ở Kharkiv, Ukraine, ngày 21/10/2022 - Ảnh: Reuters

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres phản đối động thái của Mỹ khi gửi đạn chùm cho Ukraine. "Tổng thư ký LHQ không muốn bom chùm, đạn chùm tiếp tục được dùng trên chiến trường", phát ngôn viên của Tổng Thư ký LHQ nói.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết nước này cũng phản đối Mỹ gửi đạn chùm đến Ukraine.

Đức và nhiều đồng minh khác của Mỹ đều tham gia Công ước quốc tế ký kết năm 2008 về cấm vận chuyển, sử dụng và tàng trữ đạn chùm, do loại vũ khí này khi chưa nổ cũng có khả năng gây thương tích hoặc giết chết dân thường, và rủi ro này có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ sau chiến tranh. Mỹ, Ukraine và Nga không tham gia thỏa thuận này.

Ngoài đạn chùm, gói hỗ trợ quân sự mới nhất mà Lầu Năm Góc công bố còn gồm 31 khẩu pháo Howitzer bổ sung, đạn cho hệ thống phòng không Patriot và các loại vũ khí chống tăng.

Máy bay không người lái Penguin mới, đạn dược cho Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và các phương tiện chiến đấu mặt đất như xe tăng Bradley và xe bọc thép chở quân Stryker cũng được đưa vào gói viện trợ lần này. Tính đến nay, tổng trị giá viện trợ quân sự mà Mỹ dành cho Ukraine kể từ đầu xung đột đã lên đến hơn 40 tỷ USD.

Bình luận