Chờ...

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật trừng phạt Tòa Hình sự Quốc tế (ICC)

VOH - Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt với Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) liên quan đến quyết định của tòa v bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Dự luật trừng phạt Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) được Hạ viện Mỹ thông qua ngày 4/6 với 247 phiếu thuận và 155 phiếu chống, trong đó có 42 thành viên Đảng Dân chủ ủng hộ.

Dự luật nhằm vào những cá nhân "liên quan quá trình điều tra, bắt, giam hoặc truy tố bất cứ người nào được Mỹ và các đồng minh của Mỹ bảo vệ". Những quan chức ICC trong danh sách trừng phạt sẽ bị cấm giao dịch tài sản ở Mỹ cũng như chặn, thu hồi visa Mỹ.

Dự luật dự kiến sẽ không được đem ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ và được cho là sẽ khó có khả năng trở thành luật, song động thái này đã cho thấy sự ủng hộ của Quốc hội Mỹ dành cho Israel bất chấp làn sóng chỉ trích từ cộng đồng quốc tế đối với tình hình chiến sự tại Dải Gaza. 

US-Capitol
Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington, D.C, tháng 3/2024 - Ảnh: Reuters

Tháng trước - tức 7 tháng sau khi chiến sự nổ ra, công tố viên hàng đầu của ICC là Imran Khan cho biết ông có cơ sở hợp lý để tin rằng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, và 3 thủ lĩnh hàng đầu của Hamas "phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội ác chiến tranh và cáo buộc chống lại loài người trong cuộc chiến ở Gaza".

Israel và đồng minh, trong đó có Mỹ, đã phản ứng gay gắt và chỉ trích công tố viên Khan vì đã đặt Hamas ngang hàng Israel. Thủ tướng Netanyahu gọi động thái này là "ghê tởm",còn Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh "không có sự tương đương giữa Israel và Hamas".

download
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - Ảnh: AP

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đã cảnh báo Quốc hội Mỹ sẽ có hành động "trừng phạt ICC và đảm bảo lãnh đạo ICC phải lĩnh hậu quả nếu vẫn thực hiện lệnh bắt".

Nhà Trắng cũng lên tiếng phản đối quyết định của ICC, song khẳng định không đồng tình với việc ban hành các lệnh trừng phạt nhắm vào tòa án quốc tế này.

"Có nhiều cách khác để bảo vệ Israel, bảo vệ quan điểm của Mỹ tại Israel. Chính phủ sẵn sàng phối hợp với quốc hội về những lựa chọn như vậy", trích tuyên bố của Nhà Trắng.

ICC, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan, được thành lập năm 2002 để điều tra các tội ác nghiêm trọng nhất, trong đó có diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống loài người. Không giống Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ), ICC không truy tố các quốc gia mà chỉ nhắm vào các cá nhân.

ICC không có cơ chế thực thi riêng mà phải dựa vào sự hỗ trợ của các quốc gia thành viên để tiến hành việc bắt giữ. Việc Công tố viên Karim Khan xin lệnh bắt giữ là giai đoạn đầu tiên dẫn đến quá trình tố tụng có thể kéo dài.

Đây là lần đầu tiên ICC nhắm vào lãnh đạo cao nhất của quốc gia đồng minh thân thiết với Mỹ. Một hội đồng thẩm phán ICC sẽ xem xét kiến nghị ban hành lệnh bắt giữ mà công tố viên trình lên.

Kể từ cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023, Israel cho biết đã có khoảng 1.200 người dân nước này thiệt mạng và hơn 250 người vẫn còn bị Hamas giam giữ - trong đó có 120 người hiện vẫn ở Gaza. 

Israel đã mở đợt phản công mạnh mẽ và thề sẽ "quét sạch" Hamas. Theo dữ liệu từ cơ quan y tế Palestine, tính đến nay tại Gaza đã có hơn 36.000 người thiệt mạng vì chiến sự và hàng ngàn thi thể vẫn đang bị vùi lấp dưới các đống đổ nát của các tòa nhà.