Nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục cho trẻ em có ít nhất một phụ huynh là người nước ngoài hoặc mang quốc tịch nước ngoài, Bộ Giáo dục có kế hoạch tăng số lượng giáo viên tại các trường có mật độ học sinh đa văn hóa cao, tuyển dụng thêm giảng viên song ngữ, đồng thời mời các sinh viên quốc tế xuất sắc làm cố vấn học tập.
Theo Bộ Giáo dục Hàn Quốc, những trường có ít nhất 30% tổng số học sinh thuộc nhóm này và có tối thiểu 100 học sinh theo học sẽ được xếp vào diện có mật độ học sinh đa văn hóa cao.

Nguồn: The Korea Herald.
Giáo viên giảng dạy tại các trường này sẽ được đào tạo chuyên sâu nhằm nâng cao hiểu biết về sự đa dạng văn hóa, đồng thời có cơ hội tham gia các chương trình trao đổi với giáo viên nước ngoài, các khóa đào tạo trung và dài hạn ở nước ngoài cũng như mạng lưới giáo dục toàn quốc để chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy.
Ngoài ra, Bộ dự kiến ứng dụng hệ thống Sách giáo khoa kỹ thuật số AI để cung cấp nội dung học tiếng Hàn phù hợp với trình độ của học sinh nước ngoài và đa văn hóa.
Thông báo này được đưa ra khi số lượng học sinh nước ngoài và đa văn hóa tại nước này đang gia tăng nhanh chóng, từ 67.000 em vào năm 2014 lên gần 200.000 em vào năm 2024, theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ.
Số cư dân nước ngoài tại Hàn Quốc cũng đạt kỷ lục gần 2,5 triệu người vào năm 2023, bao gồm những người không có quốc tịch Hàn Quốc, người đã nhập tịch nhưng không có gốc Hàn và trẻ em có cha mẹ mang quốc tịch nước ngoài.
Sự gia tăng này khiến số trường có tỷ lệ học sinh đa văn hóa cao tăng đáng kể, gây thách thức trong việc đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc.
Do đó, Bộ Giáo dục đang xem xét điều chỉnh chính sách nhằm giảm mật độ học sinh đa văn hóa tại một số trường, khuyến khích các em theo học tại trường quốc tế, trường giáo dục thay thế hoặc trường nội trú.
Việc phân bổ học sinh mới cũng sẽ được cân nhắc dựa trên trình độ tiếng Hàn, đặc điểm cá nhân và tình hình dân cư tại các khu vực có nhiều người nhập cư.
Một số khu vực có tỷ lệ lao động nước ngoài cao, nơi tập trung nhiều gia đình đa văn hóa, gồm quận Guro và quận Yeongdeungpo tại Seoul, thành phố Siheung và Ansan thuộc tỉnh Gyeonggi, cũng như thành phố Asan tại tỉnh Nam Chungcheong.
Trước tình hình số lượng học sinh trung học có nguồn gốc đa văn hóa ngày càng tăng, Bộ Giáo dục lên kế hoạch mở rộng các lớp học tiếng Hàn như ngôn ngữ thứ hai, vốn chủ yếu được triển khai ở cấp tiểu học, sang bậc trung học.
Bộ cũng đang hợp tác với Bộ Tư pháp để cải cách hệ thống thị thực, tạo điều kiện cho học sinh nước ngoài và đa văn hóa có thể định cư lâu dài và tìm kiếm việc làm tại Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngoài ra, để hỗ trợ phụ huynh chưa quen với ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc, Bộ sẽ cung cấp thông tin về hệ thống giáo dục, văn hóa học đường và đời sống của học sinh bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.
Đồng thời, Bộ cũng đang xem xét cho phép các trường có nhiều học sinh đa văn hóa duy trì một chương trình giảng dạy riêng, không bắt buộc sử dụng giáo trình tiêu chuẩn của bậc tiểu học và trung học của Hàn Quốc.
Bên cạnh đó, chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch mở rộng việc áp dụng các chương trình giáo dục quốc tế, bao gồm Chương trình Tú tài Quốc tế (IB), nhằm giúp cả học sinh đa văn hóa và học sinh bản địa có cơ hội tiếp cận nền giáo dục toàn cầu.