Triều Tiên cho biết, hiến pháp của nước này định nghĩa rõ ràng Hàn Quốc là một "quốc gia thù địch", ám chỉ mạnh mẽ rằng, Bình Nhưỡng đã sửa đổi hiến pháp theo lệnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm coi Hàn Quốc là kẻ thù, chứ không phải là đối tác hòa giải và thống nhất.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên đưa tin về việc Triều Tiên phá hủy các tuyến đường bộ và đường sắt nối với Hàn Quốc vào đầu tuần này, vốn từng được coi là biểu tượng chính của sự hòa giải liên Triều.
“Đây là biện pháp tất yếu và hợp pháp, được thực hiện theo yêu cầu của Hiến pháp Triều Tiên, trong đó xác định rõ Hàn Quốc là một quốc gia thù địch, và do tình hình an ninh nghiêm trọng đang tiến đến bờ vực chiến tranh khó lường do những hành động khiêu khích chính trị và quân sự nghiêm trọng của các thế lực thù địch”, hãng KCNA nêu trong một bài báo bằng tiếng Anh.
Bình Nhưỡng cho rằng, việc cho nổ tung các tuyến đường biên giới này là hành động hợp pháp chống lại một quốc gia thù địch như được xác định trong Hiến pháp.
Trong khi đó, Hàn Quốc lên án khả năng sửa đổi hiến pháp, tái khẳng định sẽ phản ứng mạnh mẽ trước bất kỳ hành động khiêu khích nào tiếp theo của Triều Tiên.
Bộ Thống nhất cho biết: "Hành động này chống lại sự thống nhất và phản quốc bằng cách phản bội hy vọng của người dân Hàn Quốc và người dân Triều Tiên về sự thống nhất, điều mà chính phủ lên án mạnh mẽ".
Tuần trước, Triều Tiên triệu tập một cuộc họp quốc hội quan trọng và sửa đổi hiến pháp, nhưng vẫn im lặng không biết liệu "hai quốc gia thù địch" của nhà lãnh đạo Kim Jong-un có được đưa vào bản sửa đổi hay xóa bỏ các điều khoản liên quan đến thống nhất theo lệnh của ông hay không.
Tháng 12 năm ngoái, trong cuộc họp đảng cuối năm, ông Kim mô tả quan hệ liên Triều là quan hệ giữa "hai quốc gia thù địch với nhau" và tuyên bố rằng hòa giải hay thống nhất với Hàn Quốc không còn là mục tiêu nữa.
Căng thẳng giữa Triều Tiên và Hàn Quốc leo thang kể từ năm 2023, khi cả hai bên tuyên bố thỏa thuận được ký kết hồi năm 2018 nhằm giảm bớt căng thẳng quân sự không còn hiệu lực.