Năm 1986, thủ tướng Netanyahu viết 1 cuốn sách có tên “Terrorism: How the West can win?”, nghĩa là làm sao phương Tây có thể chiến thắng chủ nghĩa khủng bố?
Trong cuốn sách, ông mô tả chủ nghĩa khủng bố là hành vi giết người, làm tàn tật hoặc đe dọa có chủ đích, để tạo ra nỗi sợ hãi vì mục tiêu chính trị. Điều này đúng với những gì Hamas và Hezbollah làm với Israel, nhưng cũng đúng với những gì Israel đang làm với người dân Palestine và Li-băng.
Lý thuyết chống khủng bố của ông Netanyahu quan trọng nhất là sử dụng vũ lực. Năm 2002 ông nói tại Quốc hội trước khi Hoa Kỳ tấn công Iraq: “Nếu các ông loại bỏ được Saddam Hussein và chế độ đó, sẽ tác động tích cực to lớn đến khu vực.”
Hạ nghị sĩ John Tierney hỏi lại: “Đó là suy đoán của các ông hay có bằng chứng nào không?”
Ông Netanyahu đáp: “Tôi cũng nhận được câu hỏi tương tự năm 1986. Tôi đã viết 1 cuốn sách nói rằng, đối phó với chế độ khủng bố, phải dùng vũ lực quân sự để chống lại.”
Sau khi Hoa Kỳ đưa quân vào Afghanistan năm 2001 và Iraq năm 2003, tình hình Trung Đông trở nên bất ổn và khó lường. Năm 2011, 2 nước này nói riêng và cả khu vực nói chung về cơ bản đã ổn định hơn. Điều đó có lợi cho Israel. Đỉnh điểm là thỏa thuận Abraham năm 2020, bình thường hóa quan hệ giữa Israel và 4 nước Ả Rập.
Dẫu vậy, Israel tiếp tục phong tỏa Gaza và thuộc địa hóa dần dần khu Bờ Tây. Giai đoạn bình yên ngắn ngủi kết thúc vào ngày 7/10/2023 sau vụ đột kích của Hamas, khiến hàng ngàn người dân Israel thiệt mạng. Cuộc chiến sau đó thực sự là thảm kịch với dải Gaza lẫn người dân Li-băng. Các vụ ám sát không ngừng của Israel đã khiến hầu hết ban lãnh đạo Hamas và Hezbollah thiệt mạng, mới đây nhất là thủ lĩnh Hassan Nasrallah.
Dẫu chịu thiệt hại nặng nề, nhưng Palestine có chiến thắng về ngoại giao, khi gia nhập Liên Hợp Quốc với tư cách thành viên đầy đủ. Palestine được 146/193 quốc gia công nhận là thực thể có chủ quyền. Tháng 9/2024, đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết với số phiếu áp đảo, kêu gọi Israel rút quân khỏi các vùng đang chiếm đóng của Palestine trong vòng 12 tháng tới.
Dẫu bị cô lập về ngoại giao tại Liên Hợp Quốc, nhưng Israel được sự hậu thuẫn của thành viên quyền lực nhất là Hoa Kỳ. Có ý kiến cho rằng, ông Netanyahu thậm chí ấp ủ giấc mơ từ lâu, là 1 cuộc chiến giữa Iran với Hoa Kỳ.
Đầu tháng 10/2024, Iran bắn khoảng 180 tên lửa sang Israel. Dẫu có thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhưng không có thương vong nào được báo cáo. Ngay sau đó, Thủ tướng Netanyahu cảnh báo, Iran sẽ sớm bị Israel và Hoa Kỳ trả đũa.
Theo giới phân tích, vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas là ông Ismail Haniyeh ở Tehran, cũng nằm trong mưu tính muốn đẩy Hoa Kỳ vào cuộc chiến trực diện với Iran. Tuy nhiên sau sự việc trên, Tehran đã kìm chế. Có thể nói, chưa bao giờ Israel muốn Hoa Kỳ chiến tranh với Iran như lúc này.
Một ngày sau vụ tấn công tên lửa từ Iran, Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út – quốc gia quyền lực nhất trong thế giới Ả Rập, đã gặp Tổng thống Iran tại Qatar và nói rằng, 2 nước sẽ sớm khép lại những bất đồng khó giải quyết bấy lâu nay.