Chờ...

Kinh tế Nga sẽ vững chắc trong 5 năm tới?

VOH - Theo 1 nghiên cứu mới đây, nền kinh tế thời chiến của Nga sẽ tiếp tục đứng vững, lâu hơn so với phương Tây dự đoán.

Năng lực của Nga loại trừ mọi khả năng xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng từ 3 đến 5 năm nữa. Một báo cáo của Trung tâm Phân tích Chiến lược (CASE) ở châu Âu vừa cho biết như vậy.

moscow
Thủ đô Moscow của Nga - Ảnh: Wallpaper Abyss

Nghiên cứu phản bác lại quan điểm cho rằng, khủng hoảng kinh tế ở Nga sẽ xảy ra sớm nhất vào năm 2025. Lập luận này đến từ nhà kinh tế Yuriy Gorodnichenko ở UC Berkley. Lý do bởi buôn bán năng lượng của Nga chậm lại và thiếu hụt USD.

Một số chuyên gia của Nga cũng dự đoán sẽ khó khăn vào năm 2025. Mặc dù vậy, CASE cho rằng, không nên hiểu lầm khó khăn nghĩa là khủng hoảng. Kinh tế Nga sẽ tiếp tục kiên cường trong 3 tới 5 năm nữa vì một số lý do sau.

Thứ nhất là nhu cầu trong nước.

Thị trường nội địa của Nga hay bị phương Tây đánh giá thấp. Từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, tiêu dùng trong nước đã vượt qua xuất khẩu, trở thành động lực tăng trưởng hàng đầu.

Theo CASE, riêng lĩnh vực xây dựng năm 2023, đã có 30 triệu tấn thép được tiêu thụ, tăng 9% so với năm 2022. Năm 2021 trước chiến tranh, chỉ có 15 triệu tấn được xuất khẩu.

Nhu cầu binh lính ở tiền tuyến, khiến thị trường lao động thu hẹp nên lương được nâng trên cả nước, trực tiếp thúc đẩy sức mua của hàng triệu cá nhân.

Người Nga thu nhập thấp hưởng lợi nhiều, vì không ít binh sĩ được tuyển từ khu vực khó khăn. Lương hậu hĩnh so với mặt bằng chung, ít nhiều cũng giúp được gia đình họ.

Những gia đình giàu thì hưởng lợi từ lãi suất cao, giúp thúc đẩy thu nhập đầu tư.

Nội dung bản nghiên cứu có đoạn: “Giai đoạn 2022 - 2024, doanh thu ngân sách liên bang từ các nguồn trong nước, tăng nhanh hơn doanh thu dầu khí, vốn đã giảm từ việc chiếm 40% - 45% tổng doanh thu giai đoạn 2014 – 2019, xuống còn 30% - 35% giai đoạn 2023 – 2024.”

CASE dự đoán kể cả khi chiến tranh kết thúc, nhu cầu chưa chắc giảm bớt. Chi tiêu quốc phòng cũng không đi xuống, do Moscow có kế hoạch duy trì sản xuất công nghiệp vũ khí mức độ cao. Những người lính trở về cần được chăm sóc, bổ sung vào lực lượng lao động đang thiếu trầm trọng, cùng nhiều chương trình trợ cấp, được dự đoán sẽ giúp duy trì tổng cầu.

Thứ 2, vấn đề liên quan tới chiến sự.

Nhiều tiếng nói dự đoán, kinh tế Nga sẽ suy thoái ngay lập tức nếu chiến tranh kết thúc. Ngân sách khổng lồ cho xung đột, là động lực duy trì nền kinh tế, bởi chiếm tới 40% tổng chi tiêu liên bang.

Tuy nhiên vấn đề có vẻ không hẳn như vậy. Ví dụ Nga còn không gian lớn để vay nợ trong nước. Tỷ lệ nợ trên GDP hiện tại chỉ 18,1% - không đáng kể theo tiêu chuẩn hiện đại.

Thứ 3, lạm phát có vẻ không phải là vấn đề đáng lo ngại.

CASE thừa nhận chi tiêu và lương cao đã tạo ra lạm phát, nhưng điều này không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng.

Tháng 10/2024, lạm phát của Nga khoảng 8,54%. Với quốc gia khác, đây là con số rất cao. Nhưng ở Nga, nó là “bình thường mới”, không khiến tăng trưởng chậm lại.

Lao động cũng là vấn đề. Năm 2023, Nga thiếu khoảng 5 triệu nhân công. Cắt giảm dư thừa trong các tập đoàn, được cho có thể giải phóng khoảng 2 triệu lao động. Khi chiến tranh kết thúc, một lượng lớn binh sĩ tái gia nhập thị trường, cũng có thể bù đắp phần nào. Bên cạnh đó, các chính sách cũng đang được sửa đổi để thu hút thêm lao động nhập cư.