Tiêu điểm: Nhân Humanity

Kinh tế toàn cầu dự báo tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2025, bất chấp ẩn số từ bầu cử Mỹ

VOH - Trong khi các sự kiện địa chính trị và chính sách kinh tế từ bầu cử Mỹ còn chưa rõ ràng, đà tăng trưởng toàn cầu vào năm 2025 vẫn nhận được sự lạc quan từ giới chuyên gia.

Kết quả khảo sát của Reuters với 500 nhà kinh tế cho thấy nền kinh tế toàn cầu sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực vào năm 2025, chủ yếu nhờ vào các đợt cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn và sức mạnh ổn định của nền kinh tế Mỹ.

Mặc dù đầu năm nay có nhiều lo ngại rằng kinh tế Mỹ sẽ bị ảnh hưởng do lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm qua, nhưng sự phục hồi mạnh mẽ đã vượt qua kỳ vọng, khiến các nhà kinh tế tăng dự báo tăng trưởng toàn cầu cho năm 2024.

Theo khảo sát, tăng trưởng GDP của kinh tế Mỹ dự kiến đạt 2,6% trong năm 2024 và tiếp tục ở mức 1,9% vào năm 2025, vượt trội so với các nước G10.

kinh te 2024
Cảng hàng hóa Long Beach, bang California, Mỹ - Ảnh: THX

Thị trường chứng khoán Mỹ cũng duy trì giao dịch gần mức cao kỷ lục, nhờ vào dòng vốn quốc tế mạnh mẽ và tâm lý lạc quan của nhà đầu tư. Nhờ đà phục hồi này, tăng trưởng toàn cầu dự báo đạt trung bình 3,1% năm nay và duy trì ở mức 3% vào năm 2025.

Bên cạnh Mỹ, các điểm sáng khác trên thế giới như Ấn Độ – nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất hiện nay – cũng hỗ trợ tích cực cho đà tăng trưởng toàn cầu. Nhật Bản, sau thời gian dài duy trì chính sách siêu nới lỏng, đang bắt đầu phục hồi và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ bằng cách tăng lãi suất. Ngay cả nền kinh tế Argentina, vốn gặp khó khăn trong những năm gần đây, cũng có tín hiệu khả quan cho năm 2025.

Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – tiếp tục thực hiện các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa để đạt mục tiêu tăng trưởng 5%. Chính phủ Trung Quốc đã cam kết gói kích thích trị giá 1.400 tỷ USD, với mong muốn khôi phục sức tăng trưởng và đóng góp vào đà phục hồi chung của khu vực.

Dù triển vọng toàn cầu nhìn chung tích cực, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới vẫn là một ẩn số có thể tác động đến kinh tế. Cựu tổng thống Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, tuyên bố sẽ áp thuế quan sâu rộng đối với hàng nhập khẩu nếu đắc cử. Các nhà kinh tế lo ngại động thái này có thể làm tăng lạm phát và kìm hãm thương mại toàn cầu. Trong số các nhà kinh tế Mỹ được khảo sát, phần lớn cho rằng chính sách của ông Trump sẽ có khả năng đẩy lạm phát lên cao hơn so với các chính sách của ứng viên đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương trên thế giới được dự báo sẽ duy trì hoặc giảm lãi suất nhằm ổn định tăng trưởng, tạo thêm niềm tin vào đà phục hồi toàn cầu trong bối cảnh lạm phát đã giảm đáng kể.

Bình luận