Tiêu điểm: Nhân Humanity

Liên Hợp Quốc không chấp nhận quyết định cấm nhân viên nữ làm việc của Taliban

(VOH) - Liên Hợp Quốc hôm 5/4 cho biết, tổ chức này không chấp nhận quyết định của Taliban cấm các nữ nhân viên người Afghanistan làm việc tại cơ quan này.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi chính quyền Taliban thông báo rằng phụ nữ Afghanistan sẽ không còn được phép làm việc cho tổ chức Liên Hợp Quốc nữa. 

Quyết định của Taliban là "sự vi phạm chưa từng có đối với quyền của phụ nữ, vi phạm trắng trợn các nguyên tắc nhân đạo và vi phạm các quy tắc quốc tế", tuyên bố của Liên Hợp Quốc cho biết.

taliban
Một nhân viên an ninh Taliban chụp ảnh đồng nghiệp bằng điện thoại trên đồi Wazir Akbar Khan nhìn ra thành phố Kabul vào ngày 4/4/2023. - Ảnh: AFP

Đọc thêm: Taliban lại cấm phụ nữ Afghanistan học đại học

Theo AP, Liên hợp Quốc có khoảng 3.900 nhân viên tại Afghanistan, trong đó có khoảng 3.300 người Afghanistan và 600 nhân viên quốc tế. Tổng số cũng bao gồm 600 phụ nữ Afghanistan và 200 phụ nữ từ các quốc gia khác.

Tuyên bố của Liên Hợp Quốc cho biết, một số nữ nhân viên Afghanistan của Liên Hợp Quốc đã bị hạn chế đi lại, bao gồm cả việc bị đe dọa và giam giữ.

Đại diện đặc biệt của tổng thư ký Liên Hợp Quốc về Afghanistan, Roza Otunbayeva nói: “Trong lịch sử của Liên hợp quốc, chưa từng có chế độ nào cố gắng cấm phụ nữ làm việc cho Tổ chức chỉ vì họ là phụ nữ. Quyết định này đại diện cho một cuộc tấn công chống lại phụ nữ, các nguyên tắc cơ bản của Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế".

Bà Otunbayeva là cựu tổng thống và bộ trưởng ngoại giao của Cộng hòa Kyrgyzstan. 

Bất chấp những lời hứa ban đầu về một chế độ cai trị ôn hòa hơn so với thời kỳ cầm quyền trước đây, Taliban đã áp đặt các biện pháp hà khắc kể từ khi tiếp quản đất nước vào năm 2021 - khi các lực lượng Hoa Kỳ và NATO rút khỏi Afghanistan.

Các bé gái bị cấm học sau lớp 6. Phụ nữ bị cấm làm việc, học tập, đi du lịch mà không có nam giới đi cùng và thậm chí đến công viên. Phụ nữ cũng phải che kín từ đầu đến chân.

Phụ nữ Afghanistan đã bị cấm làm việc tại các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế, làm gián đoạn việc cung cấp viện trợ nhân đạo. Tuy nhiên, lệnh cấm trước đây không bao gồm lệnh cấm làm việc cho Liên Hợp Quốc.

Những hạn chế của Taliban ở Afghanistan, đặc biệt là lệnh cấm giáo dục và hoạt động của tổ chức phi chính phủ đã bị quốc tế lên án gay gắt - nhưng chính quyền Taliban không có dấu hiệu lùi bước.

Bình luận