Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, số lượng xe điện trên toàn cầu sẽ tăng gấp 10 lần so với hiện nay vào năm 2030, lên 250 triệu chiếc. Từ năm 2018 đến 2022, lượng lithium khai thác từ Mỹ Latinh đã tăng gấp 3 lần, lên 180.000 tấn, chiếm 25% toàn cầu. Dự kiến sẽ tăng lên 210.000 tấn vào năm 2025.

Mỹ Latinh từ lâu là 1 trong những trung tâm nguyên liệu thô quan trọng. Nhưng mọi thứ đã tăng tốc hơn trong thời gian gần đây. Ngoài ra, khu vực này cũng dần trở thành trung tâm về năng lượng xanh và nông sản. Với vai trò ngày càng lớn, liệu Mỹ Latinh có thể trở thành trung tâm mới của kinh tế toàn cầu hay không?
1/ Tình hình thực tế của Mỹ Latinh
Nhu cầu chuyển đổi sang năng lượng xanh hiện rất mạnh mẽ. Quá trình này làm tăng nhu cầu với kim loại và khoáng sản mà Mỹ Latinh sở hữu 1 lượng không nhỏ. Khu vực hiện cung cấp hơn 30% đồng cho thế giới, chủ yếu sử dụng trong dây điện và tua-bin gió.
Khu vực cũng đang cung cấp 50% bạc, 1 nguyên liệu quan trọng để sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời.

Mỹ Latinh với đất đai màu mỡ, đang là nguồn cung quan trọng các nông sản như ngũ cốc, thịt động vật, cà phê và đường, giúp nuôi sống dân số toàn cầu.
Căn thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc, khiến khu vực ngày càng có sức hút, do duy trì quan điểm trung lập.
Giàu có về khoáng sản, là 1 lợi thế lớn. Tuy nhiên trong quá khứ, điều này cũng mang đến một số vấn đề. Argentina theo tiếng Latinh nghĩa là bạc sau khi được khai thác. Brazil có nguồn gốc từ chữ “Brazilwood”, là 1 loại cây được người châu Âu khai thác thuộc địa vào thế kỷ 16. Do tài nguyên phong phú, các quốc gia liên tục rơi vào đấu đá quyền lực, châm ngòi cho đảo chính, biểu tình và bất ổn.
Ngày nay, mặc dù đảo chính đã ít đi, nhưng nghèo đói, tham nhũng và mâu thuẫn vẫn thường xuyên diễn ra. GDP bình quân đầu người của khu vực chỉ bằng 25% của Hoa Kỳ. Không những vậy, sự bất bình đẳng về thu nhập là rất lớn.
2/ Triển vọng của Mỹ Latinh
Trong số 33 quốc gia Mỹ Latinh, có đến 21 nước xuất khẩu hàng hóa chiếm hơn 1 nửa doanh thu. Tất cả 12 quốc gia ở Nam Mỹ, xuất khẩu hàng hóa đều chiếm ít nhất 60% doanh thu cho nền kinh tế. Ví dụ Venezuela và Colombia có thế mạnh về dầu mỏ. Các nền kinh tế khác có thế mạnh về khoáng sản và thực phẩm. Trong quá khứ, phụ thuộc vào xuất khẩu chưa chắc đã là thế mạnh, nhưng thời gian gần đây, mọi thứ dần thay đổi.
Nhu cầu chuyển đổi xanh đang tạo ra những chuỗi cung ứng mang tính bền vững, hơn là sản phẩm thô như dầu mỏ, than đá và thép trong những năm 2000.
Bài học của Trung Quốc giai đoạn 2010 đã chứng minh, khi các nhà máy thép trở nên dư thừa.
Ngược lại, quá trình chuyển đổi năng lượng xanh mang tính toàn cầu, đòi hỏi đầu tư liên tục trong nhiều thập kỷ. Giảm khí carbon đòi hỏi nhiều khoáng chất, công nghệ và vốn. Mô hình quản lý cũng phải linh động hơn.
Ví dụ 1 chiếc ô tô điện cần nhiều đồng hơn 3 lần so với xe chạy xăng hoặc dầu. Lắp đặt 1 trang trại gió có công suất 1 megawatt cần lượng kim loại hiếm nhiều hơn 6 lần so với 1 nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí gas. Theo ước tính, nhu cầu về đồng trên toàn cầu, có thể thiếu hụt 7 - 8 triệu tấn mỗi năm vào năm 2035.
Trong xu thế chuyển đổi này, Mỹ Latinh đang ngày càng nổi bật. Khu vực có trữ lượng lớn khoáng sản và kim loại quan trọng. Mặc dù đã khai thác trong nhiều thế kỷ, Chile và Peru được đánh giá vẫn còn khoảng 30% dữ trữ của thế giới. Về lithium, hiện nay vẫn còn khoảng 60% chưa khai thác. Bolivia còn rất nhiều thiếc, dùng làm chất hàn trong linh kiện điện tử. Brazil thì nhiều khoáng sản khác nhau, đặc biệt là than chì, dùng để sản xuất pin xe điện. Theo Bộ Khai thác mỏ của Brazil, chỉ khoảng 30% đất đai nước này được thăm dò. Các loại kim loại bên dưới được dự đoán vẫn còn rất nhiều.
Ngoài trữ lượng khoáng sản lớn, địa thế ở Mỹ Latinh cũng thuận lợi hơn cho việc khai thác. Ví dụ lithium có thể lấy lên, dễ hơn nhiều so với phải khoan qua các lớp đá cứng ở Úc và Trung Quốc. Đất hiếm nhiều từ tính của Brazil cũng nằm ngay trên bề mặt, không cần phải đào sâu. Giao thông đường bộ và cảng biển ở Mỹ Latinh, dù chưa hiện đại như Bắc Mỹ hay châu Âu, nhưng cũng hơn châu Phi và 1 phần châu Á. Do đó, việc vận chuyển tương đối dễ dàng.
Khai thác và chế biến khoáng sản vốn sử dụng nhiều năng lượng. Một số quốc gia Mỹ Latinh dễ dàng dùng nguồn điện xanh tại chỗ, được sản xuất từ gió và mặt trời, có giá rẻ hơn bình thường.
Năng lượng tái tạo hiện chiếm tới 45% tổng lượng điện của Brazil, thuộc hàng cao nhất thế giới. Nước này cũng đang đẩy mạnh phát triển mạng lưới truyền tải điện, để đi khắp mọi miền. Chile cũng đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặt mục tiêu tăng lượng điện từ khí hydro vào năm 2030, nhờ đường bờ biển dài hơn 6.500 km có nhiều gió và ánh nắng mặt trời.
Lĩnh vực dầu mỏ, dù không sở hữu nhiều như Trung Đông, Nga hay Bắc Mỹ, nhưng vai trò của khu vực ngày càng quan trọng.
Ngoài Venezuela là siêu cường dầu mỏ từ lâu, những quốc gia khác như Argentina, Brazil, Guyana và Mexico, được dự đoán có thể sản xuất 11 triệu thùng dầu mỗi ngày vào năm 2030, tương đương với Ả Rập Xê Út năm 2022. Hiện nay lợi nhuận trung bình mỗi thùng dầu ở Mỹ Latinh là 45 USD, thuộc dạng cao nhất thế giới. Tính giá dầu mỏ hiện nay là khoảng 83 USD/1 thùng, các nước Mỹ Latinh đang kiếm bộn tiền, bất chấp nhu cầu trên thế giới có dấu hiệu đi xuống.
Thực phẩm cũng là 1 thế mạnh khác của Mỹ Latinh. Dân số thế giới được dự đoán sẽ tăng lên 9,7 tỷ người vào năm 2050. Tầng lớp trung lưu sẽ nhiều gấp đôi, là khoảng 6 tỷ người. Do vậy, nhu cầu về lương thực sẽ cực lớn. Hiện tại, Mỹ Latinh là nhà xuất khẩu lương thực ròng lớn nhất thế giới, nhờ sở hữu các vùng đất nông nghiệp rộng, nhưng dân số mỗi quốc gia tương đối thấp. Mỹ Latinh đang cung cấp 60% đậu nành trên toàn cầu, chủ yếu Trung Quốc mua phục vụ ngành ẩm thực và làm thức ăn cho khoảng 450 triệu con heo. Mỹ Latinh cũng chiếm 30% xuất khẩu toàn cầu các mặt hàng như ngô, thịt bò, thịt gia cầm và đường. Xuất khẩu ròng dự kiến sẽ tăng thêm 17% trong 1 thập kỷ tới.
Nhằm phục vụ nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng, khu vực đang nâng cấp cơ sở hạ tầng. Hiện Brazil tiến hành mở rộng và xây mới nhiều công trình ở cảng Santos thuộc bang Sao Paulo, với hy vọng tăng năng lực xuất khẩu lên gấp 4 lần vào năm 2026.
Một lợi thế nữa của Mỹ Latinh, liên quan tới địa chính trị. Hoa Kỳ và Trung Quốc cạnh tranh ngày càng gay gắt, do vậy cả 2 đều muốn đa dạng hóa nhập khẩu và đầu tư. Mỹ Latinh thường giữ quan điểm trung lập, nên thu hút cả 2. Ví dụ, đạo luật Giảm Lạm phát của Hoa Kỳ năm 2022 quy định, đến năm 2027, 80% giá trị đất hiếm dùng sản xuất pin xe điện phải được khai thác ở Hoa Kỳ, hoặc những quốc gia có thỏa thuận thương mại tự do với Hoa Kỳ, như Chile, Peru và Mexico.
3/ Trở ngại của Mỹ Latinh
Không ai có thể phủ nhận, Mỹ Latinh đang đứng trước 1 cơ hội lớn. Tuy vậy có nắm bắt được hay không, các quốc gia phải hành động để biến triển vọng thành hiện thực. Ví dụ tiền hiện tại cũng là 1 vấn đề. Theo ước tính, từ nay đến năm 2040, thế giới cần khoảng 575 tỷ USD để xây dựng nguồn cung về đồng trên toàn cầu. Số tiền trên để nâng cấp các mỏ khai thác, công cụ khai thác, công nghệ khai thác và phương tiện vận chuyển. Tương tự là khoảng 40 tỷ USD để xây dựng chuỗi cung ứng lithium.
Năm 2022, tiền được chi ở Mỹ Latinh nhiều hơn bất kỳ khu vực nào khác, cho mục đích thăm dò các mỏ kim loại. Tập đoàn Appian Capital, nhà đầu tư lĩnh vực mỏ có trụ sở tại London cho biết, họ sẵn sàng bỏ ra 70% vốn vào Mỹ Latinh trong 15 năm tới. Dù vậy, công ty vẫn phàn nàn rằng, nhiều mỏ không thể khai thác ngay, do sự phức tạp về thủ tục giấy tờ có thể kéo dài 5 năm. Châu Phi, dù nghèo hơn và bất ổn hơn, nhưng các mỏ lại có thể khai thác nhanh hơn.
Những trở ngại khác cũng không ít. Quặng đồng của Chile dù còn rất nhiều, nhưng trên bề mặt đã khai thác gần hết, bây giờ phải đào sâu hơn, tốn kém hơn và rủi ro hơn. Biến đổi khí hậu cũng là vấn đề nan giải. Lũ lụt đầu năm 2023, khiến các mỏ đồng ở Chile và Peru ngập chìm trong nước, cơ sở vật chất bị hư hại, nên phải đóng cửa trong thời gian dài.
Môi trường cũng là vấn đề giới chuyên gia lo ngại. Không ít cuộc biểu tình đã diễn ra, nhằm phản đối nhiều dự án. Các Chính phủ buộc phải xem xét cẩn thận hơn. Ví dụ ở Chile, từ 2002 đến 2006, bình quân mỗi mỏ đồng cần 139 ngày để hoàn thiện hồ sơ và bắt đầu khai thác. Tới giai đoạn 2017 - 2021, con số là 311 ngày.
Mọi nhà đầu tư đều muốn có sự bảo đảm lâu dài về pháp lý, trước khi bỏ tiền mua cơ sở vật chất cho các mỏ. Lý do phải mất nhiều năm họ mới thu hồi được vốn. Nhưng đây lại là vấn đề không chắc chắn, do nhiều Chính phủ thay đổi chính sách thường xuyên. Ví dụ Chính phủ cánh tả ở Bolivia có xu hướng bảo vệ quyền lợi công nhân và người dân bản địa. Trong khi Chính phủ cánh hữu lên thay sau đó, muốn bảo vệ quyền lợi của chủ đầu tư. Mâu thuẫn không thể hóa giải, cũng khiến Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador quyết định quốc hữu hóa các mỏ lithium trong thời gian qua.
Sau giai đoạn Covid-19, nhiều quốc gia rơi vào khủng hoảng. Nền kinh tế số 2 Mỹ Latinh là Argentina, năm 2022 chứng kiến lạm phát trên dưới 100%. Điều này đang bóp nghẹt nền kinh tế, doanh nghiệp và túi tiền của người dân. Nguyên nhân bởi Chính phủ phải chi quá nhiều đối phó dịch bệnh, căng thẳng chính trị, tham nhũng, quan liêu và sai lầm trong quản lý. Hiện nay vấn đề của Argentina vẫn chưa có lối ra.
Sau thời kỳ tăng trưởng vàng giai đoạn 2010 – 2013, các nền kinh tế khu vực đã đi chậm lại, bình quân chỉ từ 1 đến 4% trong 10 năm sau đó. Hiện nay, Mỹ Latinh đang đứng trước cơ hội lớn, nhưng 1 số chuyên gia vẫn lo ngại, mọi thứ sẽ thay đổi sau 1 đêm, nếu bất ngờ có biểu tình, xung đột hoặc lật đổ Chính phủ. Những diễn biến ở Peru năm 2022, là ví dụ dễ thấy nhất.
Tại nhiều quốc gia như Bắc Mỹ hay châu Âu, các Ngân hàng Trung ương thường độc lập với cơ quan hành pháp. Do vậy, khi thay đổi Chính phủ, hoặc bất ổn chính trị, về cơ bản chính sách kinh tế cũ vẫn tiếp tục được duy trì và tiếp nối.
Hiện nay toàn bộ Mỹ Latinh, chỉ có 6 quốc gia là Ngân hàng Trung ương và cơ quan giám sát tài chính cơ bản độc lập với Chính phủ, cũng như không mang tính đảng phái. Ngoại trừ Chile, hầu hết các nước Mỹ Latinh đều thiếu cơ chế, nhằm ngăn chặn sự tấn công của Chính phủ vào những cơ quan tài chính độc lập.
Lịch sử đã chứng minh, dù sở hữu nguồn tài nguyên dồi dào, điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng chưa bao giờ Mỹ Latinh thực sự là cường quốc. Ngày nay thế giới đang thay đổi nhanh chóng, như xu hướng năng lượng xanh, và sự dịch chuyển địa chính trị. Tất cả đều mang đến cơ hội tuyệt vời để Mỹ Latinh vươn mình. Liệu họ có thể nắm bắt? Liệu họ có đủ quyết tâm để tạo ra sự thay đổi? Có lẽ chỉ tương lai mới trả lời được.