Binh sĩ Triều Tiên họ Ri, sinh năm 1999, cho biết anh không hề biết rằng mình sẽ tham gia chiến đấu chống lại Ukraine, mà chỉ được thông báo sẽ đi Nga học tập dưới danh nghĩa du học sinh.
Trả lời phỏng vấn, Ri cho biết anh quyết định "80%" sẽ tìm một nơi ẩn náu và cân nhắc đến việc xin tị nạn ở Hàn Quốc. Anh thậm chí đặt câu hỏi liệu khi xin tị nạn liệu Hàn Quốc có chấp nhận anh không.
Đây là lần đầu tiên một người lính Triều Tiên bị bắt giữ bày tỏ nguyện vọng đào tẩu đến Hàn Quốc, trong bối cảnh có thông tin rằng Triều Tiên cử khoảng 11.000 quân hỗ trợ Nga trong chiến sự Ukraine.
Ri, lính bắn tỉa thuộc Tổng cục Trinh sát Triều Tiên tham gia chiến đấu với Ukraine dưới sự hiểu lầm rằng đối thủ của mình là quân Hàn Quốc, vì anh được thông báo rằng quân đội Ukraine điều khiển drone chiến đấu do lính Hàn Quốc điều khiển.

Trong suốt thời gian tham gia chiến sự, Ri bị thương nặng ở hàm và cánh tay, và cho biết hầu hết đồng đội của anh đã tử trận do các cuộc tấn công bằng drone và pháo binh của Ukraine.
Trong lúc tuyệt vọng, Ri cố gắng tự sát vì trong quân đội Triều Tiên việc bị bắt làm tù binh đồng nghĩa với phản bội tổ quốc.
Việc một binh sĩ Triều Tiên bày tỏ nguyện vọng đến Hàn Quốc đặt ra câu hỏi về khả năng Chính phủ Hàn Quốc có thể can thiệp và giải quyết vấn đề này.
Theo Hiến pháp Hàn Quốc, toàn bộ bán đảo Triều Tiên được xác định là lãnh thổ của nước này, điều này mở ra cơ hội để Seoul công nhận công dân của Triều Tiên, bao gồm cả người lính như Ri. Dù vậy, việc tiếp nhận lính Triều Tiên là tù binh chiến tranh sẽ gặp nhiều khó khăn vì theo Công ước Geneva về tù binh chiến tranh, tù binh phải được trả tự do và hồi hương sau khi kết thúc xung đột.