Lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc đang khó khăn như thế nào?

VOH - Nhắc đến những yếu tố khiến kinh tế Trung Quốc khó khăn hiện nay, không thể không đề cập tới bất động sản. Đây là lĩnh vực đóng góp rất quan trọng vào tổng sản phẩm quốc nội GDP.

Tháng 7/2023, Bộ Chính trị của Trung Quốc họp và đưa ra nhiều tín hiệu cho thấy, chính phủ sẽ giúp đỡ lĩnh vực bất động sản đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, cảm xúc tích cực nhanh chóng tan biến, khi Country Garden Holdings – một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc tính theo doanh thu, thông báo họ không thể trả tiền lãi trái phiếu vào ngày 7/8. Số tiền cần thanh toán là 22,5 triệu USD. Nếu 30 ngày sau, công ty vẫn không thể trả nợ cho các nhà đầu tư, coi như rơi vào tình trạng phá sản. Công ty 1 lần nữa gây tâm lý u ám cho thị trường khi thông báo rằng, nửa đầu năm 2023, họ lỗ khoảng 7,6 tỷ USD. Sau cuộc họp của Bộ Chính trị Trung Quốc, cổ phiếu của công ty tại Hồng Kông đã tăng 30%, lên 1,69 đô la Hồng Kông. Tuy nhiên sau những thông tin bất lợi được đưa ra, giả cổ phiếu lại giảm gần 50%, xuống còn 0,98 đô la Hồng Kông. Đây là giá thấp nhất từ khi Country Garden Holdings bắt đầu niêm yết năm 2007.

Bất động sản của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh CNN
Bất động sản của Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn - Ảnh CNN

Country Garden Holdings giữa tháng 8/2023 cho biết, 11 trái phiếu của họ bắt đầu bị đình chỉ giao dịch. Moody’s Investro Service đã hạ tín nhiệm của công ty lần thứ 2 trong tháng 8, xuống còn mức CAA1, nghĩa là “rủi ro tín dụng rất cao”. Moody cũng cảnh báo, vấn đề của Country Garden có khả năng lây lan sang công ty khác và lĩnh vực khác. Điều này làm trì hoãn sự phục hồi lĩnh vực bất động sản nói riêng, và cả nền kinh tế Trung Quốc nói chung. Những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng kéo theo của bất động sản, là thiết kế nội thất, đồ dùng dân dụng, vật liệu xây dựng, luyện kim, cơ khí và giao thông vận tải.

Thông tin về Country Garden được đưa ra, trong lúc các báo cáo của Chính phủ Trung Quốc đều cho thấy bức tranh không sáng sủa. Xuất khẩu trong tháng 7 của nền kinh tế lớn nhất châu Á giảm 14,5%, trong khi giá hàng hóa tiêu dùng giảm 0,3%. Điều này gây ra 1 số lo ngại về giảm phát có thể tiếp tục nghiêm trọng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã có một số điều chỉnh, như hạ lãi suất.

Ông Mo Bin, chủ tịch Country Garden đã giải thích lý do công ty gặp khó khăn, do chịu tác động chung của nền kinh tế. Người dân và doanh nghiệp không còn nhiều tiền mặt hoặc tiền dự trữ để mua nhà. Không bán được nhà, công ty không còn tiền để tái đầu tư và trả nợ. Doanh thu tháng 7 của công ty, xuống còn 12,07 tỷ Nhân Dân Tệ, giảm 60% so với 1 năm trước, và giảm 78% so với tháng 7/2021.

Sau cuộc họp của Bộ Chính trị, một thông báo quan trọng đã được đưa ra. Theo đó, chính phủ sẽ điều chỉnh và tối ưu hóa hoạt động hỗ trợ lĩnh vực bất động sản. Cổ phiếu hàng loạt công ty bất động sản đã tăng. Tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu có sự cải thiện.

Ông Jonathan Garner, chiến lược gia của Morgan Stanley có trụ sở tại Singapore cho biết, các tuyên bố của Bộ Chính trị có tác động tích cực, vì chính quyền đã bắt đầu thừa nhận sự cần thiết phải đảo ngược một số biện pháp gây áp lực lên thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, chính phủ sẽ khó giữ cân bằng, trong việc giúp đỡ các công ty bất động sản, và giảm vai trò của bất động sản trong nền kinh tế. Chính phủ muốn khuyến khích các lĩnh vực khác phát triển, và chiếm tỷ lệ cao hơn trong GDP, nhất là khoa học công nghệ.

Sau thông báo của Bộ Chính trị, ngoại trừ Ngân hàng Trung ương đã giảm lãi suất, và thay đổi điều kiện để người vay mua nhà dễ dàng hơn, theo 1 số chuyên gia, vẫn chưa có biện pháp nào đủ mạnh được đưa ra. Do vậy, chưa có sự thay đổi như mong đợi.

Công ty phát triển nhà Jinke Property có trụ sở ở Trùng Khánh và niêm yết ở Thâm Quyến, đã tổ chức họp cổ đông bất thường ngày 17/8, để bỏ phiếu về kế hoạch tái cấu trúc nợ hoặc đi đến chỗ phá sản. Công ty không thể trả nợ trái phiếu trong thời gian qua, trên lý thuyết đã rơi vào tình trạng phá sản. Hiện họ hy vọng sẽ sống sót nhờ quá trình tái cơ cấu nợ do tòa án chỉ đạo, cộng với sự giúp đỡ từ Great Wall Asset Management – 1 trong 4 công ty lớn quản lý nợ xấu của đất nước.

Các nhà phát triển gặp khó khăn khác, đang có nguy cơ bị gạt khỏi thị trường chứng khoán. Sichuan Languang Development đã bị hủy niêm yết khỏi sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải vào tháng 6 vừa qua, do giá cổ phiếu xuống mức dưới tối thiểu, và kéo dài hơn 20 ngày. Trước khi bị hủy, công ty không trả được khoản nợ 42,55 tỷ Nhân Dân Tệ đến hạn, cũng như đối mặt một số vụ kiện tụng.

China Evergrande, nhà phát triển bất động sản khổng lồ khác, đã chứng kiến cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch tại Hồng Kông. Từ giờ đến tháng 9, nếu không đáp ứng được các điều kiện nêu ra, những cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết.

Ông Jason Hsu, người sáng lập và chủ tịch Rayliant Global Advisors có trụ sở tại Hoa Kỳ, hiện quản lý 17,4 tỷ USD tài sản cho biết, giao dịch trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện không ổn định. Các nhà đầu tư ngắn hạn đang tìm kiếm động thái của Chính phủ, như tuyên bố sau cuộc họp của Bộ Chính trị, để phác thảo kế hoạch làm ăn tiếp theo.

Ông Jason nói thêm, để nhà đầu tư dài hạn an tâm, họ cần thấy dấu hiệu về việc chính phủ có phương án kích thích cụ thể. Chính phủ càng chần chừ, mọi thứ càng khó diễn ra suôn sẻ.

Trong nhiều năm qua, bất động sản trở thành 1 lĩnh vực quan trọng của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, với sự khó khăn chung cả bên trong lẫn bên ngoài, cộng với quá trình già hóa dân số đang diễn ra, nên số người mua nhà mới liên tục giảm, ảnh hưởng đến hàng loạt lĩnh vực khác của nền kinh tế. Quá trình trên sẽ còn tiếp diễn như thế nào? Những tháng cuối năm, tình hình liệu có khởi sắc hơn không? Theo 1 số chuyên gia, rất khó để trả lời những câu hỏi trên.

Bình luận