Theo thông báo, Malaysia đã gửi đơn đến Nga, nước hiện giữ cương vị chủ tịch luân phiên của BRICS, trong đó bày tỏ sẵn sàng tham gia nhóm với tư cách nước thành viên hoặc đối tác chiến lược.
Chính phủ Malaysia đã nhất trí việc xin gia nhập BRICS vào tháng 6. Hiện một số quốc gia đã bày tỏ quan tâm gia nhập khối.
Ngày 4/7 vừa qua, Ngoại trưởng Venezuela Yván Gil cho biết ông và Đại sứ Ấn Độ tại Caracas Shri P K đã thảo luận về việc Venezuela dự định gia nhập khối BRICS.
Venezuela hy vọng có thể gia nhập BRICS trong năm nay với tư cách là thành viên chính thức tại hội nghị thượng đỉnh của khối này sẽ được tổ chức vào tháng 10 năm nay ở Nga.
Ngày 20/6, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết nước này đã đệ đơn chính thức xin gia nhập BRICS tại cuộc họp cấp bộ trưởng của nhóm này được tổ chức một tuần trước đó, đồng thời hy vọng sớm được chấp nhận là thành viên BRICS tại cuộc họp thượng đỉnh sắp tới ở Nga.
Cũng trong tháng 6, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan tuyên bố Ankara muốn gia nhập BRICS và sẽ theo dõi sự phát triển của tổ chức này.
BRICS là một liên minh kinh tế quan trọng được thành lập bởi Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nam Phi vào năm 2009.
Kể từ ngày 1/1/2024, các nước Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) chính thức gia nhập nhóm. Với việc mở rộng nhóm, BRICS chiếm khoảng 37% GDP toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới.
Năm ngoái, BRICS đã có bước phát triển mạnh mẽ, khi thúc đẩy một loạt sáng kiến, từ kế hoạch giảm sử dụng đồng USD đến đề xuất phát hành đồng tiền chung của nhóm.
Nếu thành hiện thực, đồng tiền chung BRICS được đánh giá hoàn toàn có thể làm lung lay vị thế vững chắc của đồng USD trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên cho tới nay, BRICS vẫn chưa có lộ trình cụ thể cho đề xuất này.