Như chúng ta đã biết, các hạt vi nhựa được tìm thấy rộng rãi trong môi trường, trong nước máy và nước uống đóng chai, và cả trong một số loại thực phẩm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gần đây xác nhận các hạt như vậy trong nước uống dường như không gây rủi ro; tuy nhiên tổ chức này vẫn kêu gọi cần có nhiều nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này do hiện thời những phát hiện chỉ dựa trên "thông tin hạn chế".
Quay lại câu chuyện những gói trà túi lọc, theo đó những người uống trà đã được khuyến khích dừng ngay việc ngâm lâu các túi lọc trà trong cốc sau khi nghiên cứu mới phát hiện, chỉ một túi lọc trà cũng có thể thải ra hàng chục tỷ hạt vi nhựa.
Nguyên nhân của việc này được cho là trong khi hầu hết các túi trà được làm từ giấy, một số thương hiệu cao cấp đã chuyển sang sử dụng một loại túi lưới nhựa cho sản phẩm của họ.
Cụ thể, một nhóm các nhà nghiên cứu khoa học đến từ trường đại học McGill ở Montreal, Canada phát hiện, việc ủ túi lọc trà bằng nhựa ở nhiệt độ 95 độ C sẽ giải phóng khoảng 11,6 tỷ hạt vi nhựa - những mảnh nhựa nhỏ có kích thước từ 100 nanomet đến 5 mm - vào cốc trà. Số lượng hạt vi nhựa "khủng" như thế này lớn hơn bất kỳ loại đồ uống nào khác.
Nhiều loại trà túi lọc sử dụng túi bằng nhựa sẽ thôi nhiễm tới 11,6 tỷ hạt vi nhựa vào tách trà. Ảnh: BBC
Nhà nghiên cứu Laura Hernandez nói rằng họ đã rất ngạc nhiên trước dữ liệu thu thập được. Bà lưu ý đây là cơ hội để người tiêu dùng, cũng như những người muốn giảm việc sử dụng nhựa, nhận thức rõ hơn về việc mua hàng của họ.
"Thật sự là không cần phải đóng gói trà túi lọc bằng nhựa, mà sau cùng sẽ trở thành nhựa sử dụng một lần", Hernandez nhận định. "Điều đó khiến bạn không chỉ ăn nhựa mà còn là gánh nặng cho môi trường."
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy khi ngâm túi lọc trà quá lâu trong nước sẽ khiến màu trà chuyển từ xanh sang vàng sẫm. Điều này khiến tính thẩm mỹ và hương vị ban đầu của trà bị mất đi, các chất trong trà cũng bắt đầu bị oxy hóa và bắt đầu thu hút vi khuẩn.