Ngày càng nhiều nhà khoa học, học giả và nghiên cứu sinh bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển ở nước ngoài.
Nguyên nhân chính được cho là những can thiệp sâu rộng của chính quyền Tổng thống Donald Trump vào lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu, khiến niềm tin vào hệ thống học thuật Mỹ bị lung lay dữ dội.
Làn sóng phản ứng bắt đầu dâng cao sau tuyên bố gây sốc của Giáo sư Jason Stanley, chuyên gia hàng đầu về chủ nghĩa phát xít tại Đại học Yale, khi ông tuyên bố rời Mỹ để chuyển sang làm việc tại Canada. Ông bày tỏ thất vọng trước các chính sách của chính quyền Trump và lên tiếng sau khi Đại học Columbia bị Nhà Trắng dọa cắt tài trợ.

Không chỉ ông Stanley, hàng nghìn nhà khoa học khác cũng đang cân nhắc nghiêm túc chuyện ra đi. Một khảo sát do tạp chí Nature công bố cuối tháng 3 cho thấy, hơn 75% nhà nghiên cứu tại Mỹ thừa nhận họ đang xem xét rời khỏi quốc gia này để làm việc ở những nơi có môi trường ổn định và ít chịu sự can thiệp chính trị hơn.
Sự bất an càng rõ nét khi nhiều trường đại học hàng đầu, như Columbia, Johns Hopkins hay Harvard, đã bắt đầu đóng băng tuyển dụng và cắt giảm số lượng nghiên cứu sinh, làm ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi đào tạo khoa học kế cận.
Giáo sư Karen Sfanos (Đại học Johns Hopkins) cảnh báo: “Không ai biết điều gì sẽ xảy ra với nguồn tài trợ. Mọi thứ thay đổi theo từng ngày, và những nhà khoa học trẻ đang phải gánh chịu nhiều nhất.” Cùng quan điểm, nữ nghiên cứu sinh Daniella Fodera cho biết cô buộc phải tìm cơ hội làm sau tiến sĩ ở châu Âu sau khi bị cắt tài trợ đột ngột cho nghiên cứu u xơ tử cung: “Cả hệ thống học thuật đang bị phá vỡ.”
Tận dụng cơ hội này, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu tại châu Âu, Canada và Úc đang tích cực thu hút nhân tài Mỹ. Theo bác sĩ Gwen Nichols, chuyên gia về ung thư máu, “đã có rất nhiều đồng nghiệp của tôi – những người có hai quốc tịch hoặc gia đình tại Pháp, Đức, Canada – đã chuyển đi hoặc lên kế hoạch rời Mỹ trong vài năm tới.”
Mối lo này không còn là cảnh báo đơn lẻ. JP Flores, nghiên cứu sinh ngành di truyền tại Đại học North Carolina, chia sẻ: “Một cuộc chảy máu chất xám quy mô lớn đang diễn ra.” Anh cũng cho rằng, thiệt hại không chỉ nằm ở hiện tại mà có thể là tổn thất cả một thế hệ nhà khoa học.
Nhưng không phải ai cũng có cơ hội. Một nhà nghiên cứu khí hậu trẻ (giấu tên) nói cô đang tìm cách xin quốc tịch châu Âu để rời Mỹ vì “nếu không có hộ chiếu thứ hai hoặc tài chính ổn định, thì con đường duy nhất có thể là… từ bỏ khoa học.”
Trong bối cảnh này, giới chuyên gia cảnh báo: nếu Mỹ không nhanh chóng điều chỉnh chính sách giáo dục và nghiên cứu, quốc gia này có thể đánh mất vị thế dẫn đầu toàn cầu về khoa học công nghệ chỉ trong vòng một thập kỷ tới.