Tỷ lệ vỡ nợ doanh nghiệp tăng lên trong tháng 5 - một dấu hiệu cho thấy các công ty Mỹ đang “vật lộn” với tình trạng lãi suất cao khiến chi phí vay mới để trả nợ cũ, hay còn gọi là đảo nợ, gia tăng.
Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây còn dự đoán lãi suất sẽ tăng thêm trong năm nay, dù với tốc độ chậm hơn, cho đến khi có tiến triển trong việc kiềm chế lạm phát.
Giới lãnh đạo ngân hàng và các chuyên gia phân tích cho rằng lãi suất cao là “thủ phạm” lớn nhất gây ra tình trạng căng thẳng trong tình hình tài chính doanh nghiệp.
Các công ty cần thanh khoản hoặc các công ty có nợ lớn cần đảo nợ đang phải đối mặt với chi phí vay mới cao.
Theo S&P Global Market Intelligence, tính đến hết ngày 22/6, có 324 đơn xin bảo hộ phá sản, gần bằng con số 374 trường hợp trong cả năm 2022.
Tính đến hết tháng 4/2023, đã có hơn 230 đơn xin bảo hộ phá sản, mức cao nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2010.
Moody’s dự đoán tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu sẽ tăng lên 4,6% vào cuối năm 2023, cao hơn mức trung bình dài hạn là 4,1%.
Tỷ lệ này được dự đoán sẽ tiếp tục tăng lên 5% vào tháng 4/2024 trước khi bắt đầu giảm xuống.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman vừa lên tiếng chỉ trích các đề xuất tăng yêu cầu về vốn của ngân hàng. Bà cũng kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra "độc lập và khách quan" về sự sụp đổ nhanh chóng của ba ngân hàng Mỹ hồi đầu năm nay.
Bà Bowman kỳ vọng rằng một cuộc đánh giá độc lập về vấn đề này sẽ giúp mang đến những cải cách trong hoạt động giám sát, sửa đổi các yêu cầu về thanh khoản hoặc cải thiện khả năng tiếp cận thanh khoản của các ngân hàng. Những điều này sẽ hiệu quả hơn so với việc tăng yêu cầu về vốn đối với một loạt ngân hàng.