Trong cuộc họp mới đây ở Hawaii, 2 bên nhất trí đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, để sản xuất tên lửa không đối không tầm trung AIM-120. Dẫn đầu cuộc họp phía Mỹ là ông William LaPlante, Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách mua sắm vũ khí. Dẫn đầu phía Nhật là ông Takeshi Ishikawa, lãnh đạo cơ quan phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần của quân đội.
Một quan chức Nhật Bản nói, hai nước đặt mục tiêu hoàn tất nghiên cứu và có lộ trình rõ ràng cho việc cùng sản xuất vào cuối năm nay. Tình thế đang có vẻ gấp gáp. Tên lửa được sản xuất ở Nhật sẽ không được đưa trực tiếp tới chiến trường Ukraine, chúng chủ yếu lấp đầy kho dự trữ của quân đội Mỹ.
Cuộc họp ở Hawaii ngày 7/10 là 1 phần của diễn đàn hợp tác, mua sắm và duy trì ngành công nghiệp quốc phòng (DICAS) do Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Fumio Kishida thành lập.
Không chỉ với Nhật, Hoa Kỳ cũng đang tích hợp ngành công nghiệp quốc phòng với Hàn Quốc, để giải quyết tình trạng thiếu hụt vũ khí cũng như chuẩn bị cho xung đột trong tương lai, bao gồm cả ở châu Á.
Raytheon – nhà sản xuất tên lửa lớn của Mỹ, ca ngợi AIM-120 như hệ thống vũ khí tinh vi bậc nhất thế giới, đã được chứng minh trong chiến đấu.
Mitsubishi Electric – nhà sản xuất tên lửa không đối không lớn nhất Nhật Bản, dự kiến sẽ được cấp phép sản xuất AIM-120.
Nhật Bản và Hoa Kỳ còn đang theo đuổi chương trình cùng sản xuất tên lửa phòng thủ Patriot PAC-3, được khởi động tại cuộc họp 2+2 ở thủ đô Tokyo vào tháng 7 vừa qua. Cuộc họp tại Hawaii, 2 bên cam kết tiếp tục đẩy mạnh tiến trình sản xuất Patriot tại Nhật. Hiện nay quá trình sản xuất này đang gặp sự cố, do thiếu 1 thành phần quan trọng do Boeing cung cấp.
Tổng thống Biden từng cam kết gửi hàng trăm tên lửa Patriot cho Ukraine trong năm 2025. Phần lớn số này được sản xuất bởi các đồng minh của Mỹ.
Thời gian qua, bom lượn của Nga đang phát huy ưu thế trên chiến trường. Theo giới phân tích, bom lượn này rất khó để bắn hạ. Tuy nhiên Patriot có thể bắn hạ những máy bay chở bom lượn trước khi chúng khai hỏa.