Tiêu điểm: Nhân Humanity

Năm 2022 dịch bệnh Covid-19 kết thúc?

(VOH) - Hiện có nhiều dự báo khác nhau về diễn biến của dịch Covid-19 trong năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, đại dịch sẽ kết thúc trong năm 2022.

Các chuyên gia cho rằng, Covid-19 sẽ không còn là “đại dịch” vào năm 2022 do tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng và sự phổ biến của các loại thuốc kháng virus.

Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu theo mùa

Covid-19 có thể sẽ không còn là “đại dịch” vào năm 2022 và trở thành bệnh đặc hữu: có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, xu hướng gây bệnh nhẹ hơn do nhiều người có miễn dịch từ lần nhiễm bệnh trước hoặc từ tiêm ngừa vắc xin Covid-19.

Người nhiễm có thể chỉ bị ho và sụt sịt. Nếu tiêm chủng đầy đủ, người bệnh sẽ được bảo vệ để không phải nhập viện hoặc đối mặt với tình trạng bệnh trở nặng.

Giống như các virus đường hô hấp khác hiện nay, sẽ có những thời điểm trong năm (tháng mùa thu và mùa đông) số ca nhiễm Covid-19 lên đến đỉnh. Điều đó có nghĩa là Covid-19 và cúm mùa có thể xảy ra cùng lúc trong tương lai. Do vậy, diễn biến Covid-19 sẽ không tác động nhiều tới các quyết định hàng ngày.

covid-19
Covid-19 sẽ có thể không còn là “đại dịch” vào năm 2022 do tỷ lệ tiêm chủng toàn cầu tăng và sự phổ biến của các loại thuốc kháng virus (Ảnh: Skynews)

Trong lịch sử y khoa, nhiều mầm bệnh hô hấp phát triển theo mô hình tương tự, từ cúm Tây Ban Nha năm 1918 đến cúm lợn năm 2009. Covid-19 có thể vẫn nguy hiểm trong thời kỳ hậu đại dịch nhưng theo các chuyên gia, hy vọng về một cuộc sống bình thường đã rất gần.

Điều trị Covid-19 sẽ trở nên vô cùng đơn giản

Trong năm 2022, việc điều trị Covid-19 có thể sẽ trở nên đơn giản hơn nhiều so với năm 2021. Theo giáo sư Timothy Brewer, Trường Y tế Công cộng UCLA Fielding: "Chúng ta không nhất thiết phải áp dụng các quy định mới, chỉ cần tiếp tục những biện pháp đã được chứng minh hiệu quả để điều trị bệnh. Người dân sẽ tự cách ly, làm việc tại nhà nếu có triệu chứng, nghỉ ốm một đến hai ngày nếu thấy mệt".

Còn theo nhà dịch tễ học Shaun Truelove, Trường Y tế công – Đại học John Hopkins, nếu Covid-19 trở thành bệnh theo mùa thì việc đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng và trong nhà có thể trở thành một quy tắc. Các chiến lược phòng ngừa quen thuộc khác như rửa tay thường xuyên, duy trì giãn cách xã hội ở những nơi có nguy cơ cao cũng có thể diễn ra.

Từ cuối năm 2021, hầu hết các nước đã thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19, từ bỏ biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội để tạo đà phục hồi kinh tế. Theo các chuyên gia, năm 2022 sẽ đánh dấu những tiến bộ mới trong điều trị Covid-19, thay thế các biện pháp hạn chế mạnh mẽ của hai năm đại dịch vừa qua.

Thực tế, nhiều nước trên thế giới đang cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly đối với các ca nhiễm hoặc tiếp xúc F0. Tây Ban Nha ngày 29/12 thông báo rút ngắn thời gian cách ly từ 15 ngày xuống còn 10 ngày. Italy cũng bỏ quy định cách ly đối với trường hợp tiếp xúc gần người nhiễm Covid-19. Các F1 không cần cách ly nếu đã tiêm đủ hai liều vắc xin hoặc từng mắc Covid-19 trong vòng 120 ngày gần đây. Họ chỉ cần đeo khẩu trang KN95 hoặc N95.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mới đây đã xác nhận hai thuốc viên chống Covid-19 Molnupiravir của Merck và Paxlovid của Pfizer đều hiệu quả chống biến chủng.

Molnupiravir và Paxlovid chỉ là sự khởi đầu. Khi Omicron đang hoành hành và các biến chủng khác tiếp tục xuất hiện, giới khoa học cho rằng thế giới cần kho thuốc dồi dào để chống lại những 'kẻ thù' mới, đặc biệt nếu biến chủng có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc xin.

Nhiều chuyên gia đang nghiên cứu một loại thuốc thế hệ tiếp theo, nhắm mục tiêu chính xác vào những điểm yếu trong cấu trúc phân tử của SARS-CoV-2. Số khác kiểm tra xem nên dùng kết hợp hay độc lập với các thuốc viên trị Covid-19.

Xem thêm: Chuyên gia khuyến cáo gì về dùng thuốc điều trị Covid-19 của 2 hãng Pfizer và Merck?

Vắc xin Covid-19 sẽ phổ biến cho nhiều lứa tuổi

Trong năm 2022, người dân toàn cầu có thể cần tiêm hơn ba liều vắc xin Covid-19, thậm chí tiêm phòng định kỳ hàng năm như cúm. Một số chuyên gia cho rằng, nếu các biến thể của Covid-19 liên tục xuất hiện, mũi vắc xin tăng cường thường niên có thể được thiết kế đặc biệt để chống lại bất kỳ biến thể nào.

Tuy nhiên hiện nay, việc tiêm phòng hàng năm có thể là thách thức, chẳng hạn như câu chuyện thuyết phục người dân, đặc biệt là nhóm hoài nghi vắc xin sẽ gặp nhiều khó khăn. Khi Covid-19 trở thành căn bệnh theo mùa, không còn gây triệu chứng nghiêm trọng, một số người có thể chủ quan và bỏ qua tiêm chủng.

Đối với việc tiêm vắc xin cho trẻ em, các nhà khoa học đang nghiên cứu tiêm phòng Covid-19 cho trẻ dưới 5 tuổi bằng cách xác định liều lượng thích hợp theo lứa tuổi. Hãng dược phẩm Pfizer dự kiến sẽ có dữ liệu về vắc xin Covid-19 đối với nhóm tuổi này vào cuối năm nay và có khả năng được phê duyệt vào đầu năm 2022.

Thế giới đã trải qua 2 năm đối phó với đại dịch Covid-19. Năm 2022 cũng là năm thứ ba ứng phó với Covid-19 với nhiều thách thức mới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo về sự lây nhiễm với tốc độ lớn của biến thể Omicron đồng thời kêu gọi các nước tăng cường chủ động ứng phó với làn sóng dịch bệnh tiếp theo do biến thể mới.

Tuy nhiên, nhiều người kỳ vọng năm 2022 sẽ là năm mà nhân loại học cách sống chung với mầm bệnh, Covid-19 cũng dần trở thành một phần của "bình thường mới".

Bình luận