Nam Phi là nơi sinh sống của gần một nửa số tê giác đen, loài đang bị đe dọa nghiêm trọng, tại châu Phi, đồng thời sở hữu quần thể tê giác trắng lớn nhất thế giới.
Sừng tê giác, chủ yếu cấu tạo từ keratin, một loại protein có trong tóc và móng tay con người, được săn lùng tại một số quốc gia Đông Á để sử dụng trong y học cổ truyền và chế tác trang sức.

Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, Thủy sản và Môi trường Nam Phi (DFFE), ông Dion George cho biết, trong số các cá thể tê giác bị săn trộm năm 2024, 320 con bị giết trong các khu bảo tồn thuộc sở hữu của nhà nước, trong khi 100 con bị săn trộm tại các công viên, khu bảo tồn và trang trại tư nhân.
Theo Bộ trưởng George, số vụ săn trộm tê giác đã giảm so với các năm trước, một phần nhờ chương trình cắt sừng tê giác tại tỉnh KwaZulu-Natal, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn săn trộm.
Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ lo ngại về việc số lượng tê giác bị giết tại Vườn quốc gia Kruger, khu bảo tồn nổi tiếng thế giới với nhiều khu vực hẻo lánh, khó kiểm soát, đang có dấu hiệu gia tăng.
Vào năm 2024, đã có 88 cá thể tê giác đã bị săn trộm tại Kruger, tăng so với con số 78 con vào năm 2023.
Ông George cho biết, để trấn áp nạn săn trộm, chính phủ đã triển khai các biện pháp như kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối đối với nhân viên tại các khu vực trọng điểm, bao gồm công viên Kruger và Hluhluwe-iMfolozi.
Namibia, quốc gia láng giềng của Nam Phi, cũng cho biết, số vụ săn trộm tê giác tại nước này trong năm 2024 đã tăng lên 83 trường hợp, so với 69 vụ được ghi nhận vào năm 2023.