Bổ sung một mục tiêu mới dành riêng cho quốc phòng dân sự và hỗ trợ Ukraine – nhằm phản ứng trước những thách thức an ninh ngày càng gia tăng từ Nga.
Thông tin trên được Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tiết lộ hôm 14/4 trong cuộc họp báo tại Stockholm. Theo đó, hội nghị thượng đỉnh NATO sắp diễn ra tại The Hague vào tháng 6/2025 có thể là nơi các quốc gia thành viên thống nhất mức chi tiêu mở rộng, vượt xa ngưỡng 2% GDP đang được áp dụng như hiện nay.

Thủ tướng Kristersson cho biết, thảo luận hiện nay không chỉ tập trung vào tăng ngân sách cho quốc phòng quân sự, mà còn mở rộng sang “quốc phòng dân sự, khả năng sẵn sàng, viện trợ Ukraine và các lĩnh vực an ninh liên quan khác”. Ông nhấn mạnh, mức chi tiêu mới có thể bao gồm 3,5% GDP cho quốc phòng quân sự, cộng thêm 1,5% cho các hoạt động hỗ trợ rộng hơn.
Đề xuất này xuất phát từ bối cảnh an ninh khu vực ngày càng bất ổn kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào năm 2022. Nhiều quốc gia thành viên NATO đã tăng ngân sách quốc phòng, song vẫn bị Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích là chưa đủ mạnh. Ông Trump từng kêu gọi các đồng minh NATO chi tiêu đến 5% GDP cho quốc phòng, nhằm bảo đảm năng lực sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa hiện hữu.
Dữ liệu do NATO công bố cho thấy, trong năm 2024, có 23 trong số 32 quốc gia thành viên đã đạt hoặc vượt mức 2% GDP dành cho quốc phòng – mức tiêu chuẩn được NATO thông qua từ năm 2014. Tuy nhiên, một số nền kinh tế lớn như Italy và Tây Ban Nha vẫn còn cách xa mục tiêu này, với tỷ lệ chi tiêu lần lượt khoảng 1,5% và 1,3% GDP.
Thụy Điển – thành viên mới nhất của NATO từ tháng 3/2024 – đã cam kết nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ quốc phòng. “Chúng tôi sẽ làm hết sức để thực hiện đầy đủ các trách nhiệm với NATO,” Thủ tướng Kristersson khẳng định, đồng thời cho biết Thụy Điển đang chuẩn bị phân bổ 300 tỷ kronor (tương đương 30 tỷ USD) cho quốc phòng trong thập kỷ tới.
Một nhà ngoại giao châu Âu giấu tên tiết lộ, các cuộc thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh The Hague mới chỉ ở giai đoạn đầu, nhưng đang hình thành sự đồng thuận rằng các mục tiêu năng lực quân sự mới sẽ đòi hỏi chi tiêu ở mức khoảng 3,5% GDP. Vị này cũng nhận định, để đạt tới con số 5% như đề xuất từ phía Mỹ, các nước châu Âu cần tính toán kỹ lưỡng các yếu tố như nâng cao khả năng cơ động quân sự, khả năng chống chịu và bảo vệ hạ tầng chiến lược.
Việc NATO mở rộng định nghĩa chi tiêu quốc phòng cho thấy tổ chức này đang điều chỉnh tầm nhìn chiến lược nhằm thích ứng với môi trường an ninh mới – nơi chiến tranh không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn lan sang các lĩnh vực dân sự, thông tin, công nghệ và viện trợ nhân đạo.