Nếu USAID bị đóng cửa, chuyện gì sẽ xảy ra?

MỸ - Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), 1 trong những tổ chức viện trợ lớn nhất và có ảnh hưởng mạnh mẽ toàn cầu, đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa bởi chiến dịch tinh giản chính phủ liên bang.

Chính phủ Mỹ của Tổng thống Donald Trump xem xét các biện pháp giảm bớt chi tiêu, trong đó có việc cắt giảm ngân sách dành cho viện trợ quốc tế.

Với lịch sử tồn tại hơn sáu thập kỷ, USAID không chỉ là biểu tượng của sức mạnh mềm Mỹ mà còn là cứu cánh của hàng triệu người dân trên khắp thế giới trong những hoàn cảnh khủng hoảng.

Tuy nhiên, sau khi tỷ phú Elon Musk gọi USAID là "tổ chức tội phạm" cần phải "chết", và Tổng thống Trump có động thái cắt giảm mạnh mẽ viện trợ quốc tế, cơ quan này đang phải đối mặt với một loạt thách thức và câu hỏi về sự tồn tại.

Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối đóng cửa USAID bên ngoài tòa nhà của cơ quan này ở Washington ngày 322025 - Ảnh Reuters
Người biểu tình cầm biểu ngữ phản đối đóng cửa USAID bên ngoài tòa nhà cơ quan này ở Washington ngày 3/2/2025 - Ảnh: Reuters

USAID được thành lập năm 1961 với mục tiêu hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn như thảm họa thiên nhiên, đói nghèo hay đại dịch.

Cơ quan này đã giúp đỡ hàng triệu người trên thế giới, từ việc cung cấp thực phẩm, thuốc men cho các khu vực nghèo đói, đến hỗ trợ các chương trình y tế công cộng như tiêm vaccine bại liệt hay các chiến dịch ngăn chặn đại dịch.

Nếu USAID bị đóng cửa hoặc thu gọn, các chương trình cứu trợ thiết yếu này sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng.

Theo nhận định của các chuyên gia, việc ngừng cung cấp viện trợ từ Mỹ có thể khiến hàng triệu người trên toàn cầu mất đi sự trợ giúp cần thiết.

Đặc biệt, các quốc gia đang phải vật lộn với thảm họa thiên tai hay chiến tranh như Ukraine, Syria, hay các nước ở châu Phi sẽ là những nạn nhân trực tiếp.

Điều này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thốn vaccine, thực phẩm và dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở nhiều quốc gia đang phát triển.

Dưới sự chỉ đạo của Elon Musk và các quan chức trong chính quyền Trump, USAID đã trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công vì những khoản chi tiêu mà chính quyền này cho là lãng phí.

Tổng thống Trump lâu nay chỉ trích các khoản viện trợ quốc tế, cho rằng chúng không mang lại lợi ích cho người dân Mỹ và không hiệu quả.

Musk, một người có ảnh hưởng lớn trong chính quyền hiện nay cũng đã lên tiếng kêu gọi đóng cửa USAID, cho rằng tổ chức này không còn phục vụ lợi ích quốc gia.

Việc đóng cửa USAID không đơn giản là một động thái giảm chi tiêu. Chuyên gia về chính sách quốc tế Matthew Kavanagh cho rằng việc biến USAID thành một bộ phận trực thuộc Bộ Ngoại giao hoặc đơn giản đóng cửa tổ chức này sẽ đe dọa đến khả năng Mỹ thực hiện các mục tiêu nhân đạo và đối ngoại. 

USAID được thành lập theo Đạo luật Viện trợ Nước ngoài nên việc xóa bỏ cơ quan này hoặc thay đổi vai trò của nó sẽ gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nghị sĩ, đặc biệt là từ các đảng phái ủng hộ chính sách viện trợ nhân đạo.

Việc cắt giảm viện trợ quốc tế cũng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Mỹ trên trường quốc tế, khi các đối tác và quốc gia nhận viện trợ sẽ đặt câu hỏi về cam kết của Washington đối với các vấn đề toàn cầu như ổn định chính trị, phát triển kinh tế và an ninh quốc tế.

Đây không chỉ là một vấn đề của chính sách quốc gia, mà còn là một thách thức đối với an ninh và ổn định toàn cầu.

Bình luận