Nga chỉ chấp nhận lính gìn giữ hòa bình có ủy nhiệm LHQ

VOH - Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzya khẳng định rằng Moscow chỉ chấp nhận lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine nếu có sự ủy nhiệm chính thức từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin RIA Novosti ngày 10/2, ông Nebenzya nhấn mạnh rằng bất kỳ lực lượng quân sự nước ngoài nào xuất hiện trên lãnh thổ Ukraine mà không có sự chấp thuận của Hội đồng Bảo an sẽ bị coi là "mục tiêu quân sự hợp pháp" theo luật pháp quốc tế. 

Ông bác bỏ các đề xuất đơn phương từ phương Tây, đồng thời gọi những thông tin về khả năng triển khai lính gìn giữ hòa bình tại Ukraine là "tin đồn kỳ lạ", xuất phát từ "sự mệt mỏi chung" sau gần hai năm xung đột.

Tuyên bố của Đại sứ Nga được đưa ra trong bối cảnh châu Âu đang thảo luận về khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Ngày 15/1, tờ The Telegraph đưa tin Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bắt đầu đàm phán về vấn đề này. Hai nhà lãnh đạo được cho là đang cân nhắc phương án gửi quân đội tới Ukraine để duy trì lệnh ngừng bắn nếu các bên đạt được thỏa thuận hòa bình.

Dai su nga LHQ
Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzya - Ảnh: TASS

Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức vấp phải sự hoài nghi từ Berlin. Ngày 8/2, Thủ tướng Đức Olaf Scholz khẳng định rằng các cuộc thảo luận về việc triển khai quân đội Đức tới Ukraine vào thời điểm này là "quá sớm và không phù hợp". Quan điểm của Đức cho thấy châu Âu vẫn còn nhiều bất đồng trong cách tiếp cận vấn đề Ukraine.

Trước đó, vào tháng 12/2024, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố Moscow "không hài lòng" với ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình từ Anh và châu Âu đến Ukraine. Nga lo ngại rằng sự hiện diện của lực lượng nước ngoài, dù mang danh nghĩa gìn giữ hòa bình, có thể làm leo thang căng thẳng và trở thành tiền đề cho sự can thiệp quân sự rộng lớn hơn.

Lập trường cứng rắn của Nga cho thấy nước này không sẵn sàng chấp nhận bất kỳ hình thức hiện diện quân sự nào của phương Tây tại Ukraine, trừ khi có sự đồng thuận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Moscow có quyền phủ quyết. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ kế hoạch nào của phương Tây về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine đều khó có thể thực hiện mà không đối mặt với phản ứng gay gắt từ Nga.

 
Bình luận