Tiêu điểm: Nhân Humanity

Ngân hàng First Republic của Mỹ phá sản

VOH - Ngân hàng First Republic của Mỹ chính thức sụp đổ bất chấp những nỗ lực giải cứu trị giá hàng chục tỷ USD trước đó và trở thành ngân hàng thứ ba phá sản trong hai tháng qua.

Cuộc khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ vẫn tiếp tục bùng phát khi ngân hàng First Republic chính thức sụp đổ.

Theo hãng tin Reuters, toàn bộ tài sản của First Republic sẽ được bán lại cho tập đoàn tài chính JPMorgan Chase &Co. Trong khi đó, Cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) sẽ là đơn vị tiếp quản.

FDIC thông báo, toàn bộ 84 chi nhánh của ngân hàng First Republic ở 8 tiểu bang đã được mở lại dưới danh nghĩa chi nhánh của ngân hàng JPMorgan Chase, AP đưa tin.

First Republic
Một chi nhánh ngân hàng First Republic. - Ảnh: Reuters

Đọc thêm:  Mỹ: Các ngân hàng lớn đổ 30 tỷ USD nỗ lực cứu First Republic bank

FDIC cho biết, tất cả những người gửi tiền của ngân hàng First Republic sẽ trở thành người gửi tiền của JPMorgan và sẽ có toàn quyền tiếp cận số tiền gửi của họ. JPMorgan đồng ý chịu trách nhiệm về tất cả các khoản tiền gửi, bao gồm cả những khoản vượt quá giới hạn bảo hiểm liên bang.

Ngân hàng First Republic (trụ sở tại San Francisco) có hoạt động cho vay thế chấp lớn và là tổ chức tín dụng hàng đầu của Mỹ. Tình trạng kinh doanh sa sút và giá cổ phiếu ngân hàng này giảm mạnh trong những tuần gần đây. First Republic có khoảng 229,1 tỷ USD tài sản và 103,9 tỷ USD tiền gửi.

Cổ phiếu của ngân hàng First Republic đã giảm 43,3% trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa thị trường và đã mất tới 97% giá trị trong năm nay.

First Republic là vụ phá sản ngân hàng thứ ba tại Mỹ sau hai tháng, kể từ sau vụ sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley. Đây cũng là ngân hàng lớn thứ 2 phá sản trong lịch sử nước Mỹ, chỉ sau Washington Mutual vào năm 2008 - cũng được JPMorgan mua lại sau đó.

Cũng trải qua giai đoạn bùng nổ tương tự Silicon Valley Bank, First Republic phát triển từ việc cho những tỷ phú vay với lãi suất thấp. Song, ngân hàng này cũng gặp rủi ro là phần lớn tiền gửi đều không được bảo hiểm, khiến các nhà đầu tư lo ngại không rút được tiền trong trường hợp phá sản.

Bình luận