Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nghị viện châu Âu thông qua luật chống phá rừng

VOH - Theo một văn bản biểu quyết hôm 19/4 tại Nghị viện Châu Âu, một số sản phẩm sẽ chỉ được bán tại Liên minh Châu Âu (EU) khi không liên quan đến các hoạt động tàn phá rừng.

Mục đích của quy định này là chống biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học.

Việc nhập khẩu vào EU các sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi, hoặc ca cao, cà phê, dầu cọ, đậu nành, gỗ, cao su, than củi và giấy in sẽ bị cấm nếu những sản phẩm này có nguồn gốc từ đất rừng bị tàn phá sau tháng 12/2020.

Nghị viện châu Âu thông qua luật chống phá rừng 1
Nguồn: AFP

Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), EU là nguồn gốc của 16% nạn phá rừng toàn cầu thông qua nhập khẩu, (chủ yếu là đậu nành và dầu cọ, số liệu năm 2017), và là kẻ hủy diệt rừng nhiệt đới thứ hai sau Trung Quốc.

Đó là "luật đầu tiên trên thế giới giúp chấm dứt nạn phá rừng nhập khẩu" đại biểu Pascal Canfin phấn khởi trong các cuộc tranh luận tại Nghị viện Châu Âu vào tối thứ Hai.

"Tất cả các nghiên cứu về dư luận đều cho thấy rằng người châu Âu không muốn góp phần vào nạn phá rừng nhưng họ không có khả năng biết rằng, khi họ uống một tách cà phê vào buổi sáng hoặc một cốc sô cô la là họ đang tiếp tay cho tình trạng phá rừng nhập khẩu," ông Pascal Canfin nói.

Tuy nhiên, tổ chức Greenpeace cho rằng "đây chỉ là bước đầu tiên" và quy định này vẫn có "lỗ hổng", chẳng hạn như loại trừ các hệ sinh thái như thảo nguyên và không nhắm mục tiêu vào các ngân hàng châu Âu tài trợ cho các dự án phá rừng.

Đại biểu Marie Toussaint đưa ra đánh giá hôm thứ Hai rằng đó là một "bước tiến lớn đối với các khu rừng, khí hậu, đa dạng sinh học của thế giới cũng như quyền con người và quy định của một nền kinh tế bùng nổ".

Tuy nhiên, Marie Toussaint cho rằng "điều cần thiết là văn bản này nên được mở rộng để có tác động đến các hệ sinh thái dễ bị tổn thương như rừng ngập mặn, bao gồm các sản phẩm khác như ngô, hoặc tích hợp các chủ thể tài chính tài trợ cho nhiều dự án dẫn đến nạn phá rừng".

Trong các cuộc tranh luận, báo cáo viên Christophe Hansen thừa nhận rằng văn bản "không hoàn hảo", và giải thích rằng đây là lý do tại sao 3 lần sửa đổi đã được lên kế hoạch sau 1 năm, 2 năm và 5 năm.

Bình luận