Tiêu điểm: Nhân Humanity

Người Ả Rập còn đoàn kết ủng hộ Palestine như xưa?

VOH - Những ngày qua, nhiều dấu hiệu cho thấy, cộng đồng các quốc gia Ả Rập đã không còn đồng lòng ủng hộ Hamas trong xung đột với Israel như trước.

Thời gian gần đây, tin tức ở Trung Đông bao trùm về cuộc chiến giữa Israel với Hamas. Cảnh quay thường xuyên là xe cứu thương, thi thể và không kích. Hamas đổ lỗi cho Israel về vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở Gaza hôm 17/10, khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Thế giới Ả Rập đã không còn đoàn kết ủng hộ Palestine như xưa - Ảnh: 123RF
Thế giới Ả Rập đã không còn đoàn kết ủng hộ Palestine như xưa - Ảnh: 123RF

Israel phủ nhận, tố cáo vụ nổ do một tên lửa của nhóm Hồi giáo Jihad bắn nhầm. Vào thời điểm Israel đưa ra lời phủ nhận, các chi tiết đã không còn quan trọng nữa. Thảm họa làm dấy lên các cuộc biểu tình ở Bờ Tây và Jordan, cũng như những nơi xa xôi như Tunisia. Đó là áp lực mà Tổng thống Joe Biden gặp phải khi đến Israel ngày 18/10.

Thật khó để định nghĩa về “thế giới Ả Rập” - một tập hợp gồm 450 triệu người, sống trải dài hàng nghìn km ở gần hai chục quốc gia. Nhưng có một điều, hầu hết thế giới Ả Rập vẫn đồng cảm với người Palestine. Nếu người Palestine thiệt mạng nhiều, có khả năng thổi bùng sự tức giận của quần chúng các nước Ả Rập như nhiều vấn đề khác, ví dụ lạm phát hoặc khủng hoảng kinh tế.

Cuộc chiến giữa Israel và Hamas, đã bước sang tuần thứ 2. Vụ nổ ở bệnh viện Al-Ahli được đưa tin suốt ngày trên truyền hình, và thảo luận không ngừng trên mạng xã hội. Nó khơi dậy một làn sóng ủng hộ dành cho người Palestine. Tuy nhiên, so với các cuộc xung đột trong quá khứ, ví dụ cuộc chiến kéo dài 50 ngày ở Gaza năm 2014, một số điều đã khác.

Thứ nhất là địa chính trị. Từ năm 2020, bốn quốc gia Ả Rập gồm Bahrain, Ma Rốc, Sudan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel - quốc gia trước đây chỉ có quan hệ với Ai Cập và Jordan trong thế giới Ả Rập. Ả Rập Saudi - quốc gia quyền lực bậc nhất trong thế giới Ả Rập, cũng đang đàm phán để làm điều tương tự. Điều đó đã thay đổi cách một số phương tiện truyền thông Ả Rập, đưa tin về cuộc xung đột hiện tại.

Al Jazeera - đài truyền hình của Qatar, đã dành nhiều thời gian tường thuật nghiêng về Hamas. Trong khi đó, các kênh do Ả Rập Saudi và UAE điều hành, cố gắng tường thuật trung lập hơn. Mặc dù đưa tin về sự tàn phá ở Gaza, nhưng họ không phỏng vấn các quan chức Hamas. Ngược lại, những người Do Thái ở Israel nói tiếng Ả Rập, lại là khách mời thường xuyên. Từ ngữ trong các bản tin cũng bắt đầu thay đổi. Ngày xưa, cụm “quân đội chiếm đóng” liên tục xuất hiện, giờ đây họ đơn giản gọi là “quân đội Israel”.

Sự khác biệt thứ hai, là lo ngại cuộc xung đột mở rộng. Chiến tranh năm 2014 chỉ giới hạn ở Gaza. Nhưng cuộc chiến hiện nay đang có khả năng mở rộng tới Li-băng, thậm chí cả Iran.

Trước việc phải mở cửa khẩu từ Ai Cập tới dải Gaza, cũng như tiếp nhận người tị nạn từ Gaza, 1 nhà báo trên kênh truyền hình Ai Cập thân chính phủ nói: “Tại sao các bạn lại áp đặt điều này lên chúng tôi? Có phải Hamas muốn mạo hiểm 100 triệu người dân Ai Cập vì lợi ích của chính họ?”

Có ý kiến cho rằng, phát biểu trên đại diện cho cả chính phủ Ai Cập lẫn người dân trong nước.

Ý kiến tương tự cũng xuất hiện ở Li-băng, nơi đang trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ. Nhiều người lo lắng, Hezbollah sẽ mở mặt trận thứ 2 chống lại Israel, và đưa đất nước vào cuộc chiến tàn khốc như năm 2006. Một nhà báo nổi tiếng trên kênh truyền hình quốc gia Li-băng nói: “Lạy Chúa, lạy thánh Alah, lạy Đức Phật và lạy nhà tiên tri Mohamed! Xin đừng đưa chúng con vào cảnh địa ngục này!”

Tại Syria, nhiều người dân kinh hoàng trước cảnh dải Gaza bị ném bom. Tuy nhiên, họ không muốn ủng hộ Hamas, vì cho rằng Hamas đã đưa chiến tranh đến dải Gaza. Điều này có nguy cơ kéo theo cả Syria. Những ngày qua, Israel liên tục không kích các sân bay của Syria, do lo ngại hoạt động quân sự của Iran ở gần biên giới.

Trong các cuộc trao đổi ngoại giao dồn dập mấy ngày qua, nhiều quan chức Ả Rập đã nói về Hamas không giống như trước đây. Họ ngày càng có xu hướng thiên về Israel và phản đối Iran. Tuy nhiên, họ không thể hiện điều này công khai.

Sự chia rẽ trong thế giới Ả Rập, cũng thể hiện qua chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Tại Ả Rập Xê Út, thái tử Mohamad Bin Salman đón tiếp ông Blinken rất lạnh lùng, bắt những vị khách phương xa phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ.

Thái tử Mohamad làm điều này với 1 vị khách nổi tiếng và quyền lực bậc nhất thế giới, là điều gì đó bất thường. Khi đáp xuống Cairo, ông Blinken cũng nghe những lời ca thán của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi, về hoàn cảnh khó khăn của người Palestine và nguy cơ xung đột lan rộng.

Sau vụ nổ ở bệnh viện, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã hủy cuộc gặp với Tổng thống Joe Biden. Tương tự là nhà vua Jordan. Hiện nay phía Mỹ có nói gì với các lãnh đạo Ả Rập, tâm trạng sẵn sàng lắng nghe của họ cũng không còn như xưa.

Thủ tướng Li-băng Najib Mikati đã thể hiện sự bất an, rằng chiến tranh có thể lan tới đất nước mình. Ông chia sẻ với truyền hình địa phương: “Chúng tôi không muốn viễn cảnh đó, nhưng quyền quyết định nằm trong tay Hezbollah và Israel.”

Một số lãnh đạo Ả Rập khác ở Qatar và UAE cũng lo ngại, nếu xung đột lan rộng, ví dụ Iran đối đầu Israel, vị trí địa lý trung gian của họ cũng khó tránh khỏi tai họa.

Bình luận