Theo hãng tin Reuters, vào ngày 1/11, hơn 300 người dân Brazil đã tụ tập tại các con phố thương mại chính ở Sao Paulo để phản đối việc Thống đốc bang này, ông Joao Doria ủng hộ việc tiêm chủng bắt buộc vắc-xin ngừa Covid-19.
Đồng thời phản đối việc thử nghiệm vắc-xin tiềm năng do công ty Sinovac Biotech của Trung Quốc sản xuất.
Ông Doria trước đây từng tuyên bố rằng việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 phải là bắt buộc một khi có được vắc-xin. Điều này trái ngược với mong muốn của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ông Bolsonaro nói rằng việc tiêm chủng sẽ là tự nguyện.
Chánh án Tòa án Tối cao Brazil cho biết, tòa án sẽ đưa ra phán quyết về vấn đề này.
Tại Sao Paulo, được sự ủng hộ của chính quyền ông Doria, vắc-xin do công ty Sinovac điều chế đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III.
Hồi tháng trước, Bộ Y tế Brazil thông báo rằng họ sẽ mua 46 triệu liều vắcxin của Sinovac trong một giao dịch được sự ủng hộ của Thống đốc bang Sao Paulo. Nhưng một ngày sau đó, Tổng thống Bolsonaro nói rằng Brazil sẽ không mua vắc-xin của Trung Quốc.
Những người phản đối tiêm chủng bắt buộc ở Sao Paulo đã xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ đối với Tổng thống Bolsonaro.
Một người biểu tình giơ tấm bảng ghi rằng: "Chúng tôi không phải là loài chuột lang", một người khác đeo khẩu trang thì nói rằng: "Không cần vắc xin".
Andre Petros, một người biểu tình nói: "Chúng tôi phản đối Đại sứ Trung Quốc Joao Doria (người biểu tình ví Thống đốc Joao Doria là Đại sứ Trung Quốc), ông ấy đang đi ngược lại mong muốn của chúng tôi và bắt buộc chúng tôi tiêm chủng".
"Điều này không nên xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, kể cả ở Trung Quốc", Andre Petros nói.
Scott Rosenstein, Giám đốc Chương trình Y tế toàn cầu của tập đoàn tư vấn Eurasia Group (Mỹ) nói rằng Trung Quốc luôn hy vọng có thể sử dụng vắc-xin như một công cụ ngoại giao để cải thiện quan hệ với các nước không hài lòng với những việc làm của nước này trong giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19, đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng của mình.
Tính đến nay, Brazil đã ghi nhận gần 5,55 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 160.000 ca tử vong.
Hiện các nước châu Âu đang trong giai đoạn bùng phát dịch lần thứ 2 nhưng Brazil hiện vẫn đang trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19 và còn lâu mới kết thúc.
Các nhà phân tích dữ liệu thống kê ở Rio De Janeiro, phía Nam Brazil cho biết mặc dù số ca nhiễm mới tại nước này đã giảm nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá cao và không thể kiểm soát dịch hiệu quả trong một thời gian ngắn. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Brazil sẽ bùng phát đợt dịch thứ hai.