Mối liên hệ đặc biệt giữa Giáo hoàng Francis và người dân Mỹ Latin càng trở nên rõ ràng khi cả khu vực này đồng lòng cầu nguyện cho Giáo hoàng.
Ở Argentina quê hương của Giáo hoàng linh mục Adrian Bennardins chia sẻ: "Chúng tôi cầu nguyện cho ngài với lòng tin vào Chúa".
Tại Brazil, quốc gia Công giáo lớn nhất thế giới tín hữu cũng đồng loạt cầu nguyện: "Là người Công giáo, chúng tôi cầu nguyện cho Đức Giáo hoàng, cho nhà thờ và cho thế giới", theo lời Helio Martins Da Silva, một tín hữu ở Sao Paulo.

Ngày 22/2, Tòa thánh Vatican thông báo về tình trạng sức khỏe của Giáo hoàng 88 tuổi khi lần đầu tiên sử dụng từ "nguy kịch" để mô tả tình trạng của ngài. Sau khi nhập viện vì khó thở và được chẩn đoán viêm phổi, Giáo hoàng đang được tiếp oxy và truyền máu. Các bác sĩ lo ngại nguy cơ nhiễm trùng phổi có thể lan vào máu và phát triển thành nhiễm trùng huyết đe dọa tính mạng của ngài.
Giáo hoàng Francis, người đầu tiên đến từ Argentina được bầu làm giáo hoàng vào năm 2013, luôn có sự kết nối đặc biệt với người dân Mỹ Latin, nơi ngài bắt đầu sự nghiệp linh mục Dòng Tên.
Các tín hữu tại đây cảm thấy gần gũi và gắn bó với ngài vì ngài chia sẻ nhiều đặc điểm văn hóa và ngôn ngữ với họ. Cô Grisel Jimenez, một tín hữu ở Mexico, chia sẻ: "Vì ngài là người Latin, ngài nói ngôn ngữ của chúng tôi và chia sẻ cảm xúc của cộng đồng người Latin."
Theo một khảo sát năm 2024, khoảng 54% người Mỹ Latin xác nhận là người Công giáo giảm từ mức 80% vào năm 1995. Sự quan tâm và cầu nguyện cho Giáo hoàng Francis cho thấy một sự gắn kết sâu sắc trong cộng đồng Công giáo tại khu vực này.