Ông Dominic Volek, trưởng bộ phận khách hàng cá nhân của Henley & Partners, công ty tư vấn di trú quốc tế, cho biết khoảng 20% khách hàng của họ hiện là người Mỹ, tỷ lệ cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào khác, với số lượng người có kế hoạch di cư tăng ít nhất 30% so với năm ngoái.
Ông David Lesperance, đối tác quản lý tại Lesperance and Associates, cho biết số lượng khách hàng Mỹ tìm kiếm di cư ra nước ngoài gấp ba lần so với năm trước.
Một khảo sát của Arton Capital cho thấy 53% triệu phú Mỹ có khả năng rời bỏ đất nước sau bầu cử, với nhóm triệu phú trẻ từ 18 đến 29 tuổi có tỷ lệ quan tâm cao nhất về các chương trình đầu tư cư trú.
Tình hình này gia tăng đáng kể kể từ sau đại dịch Covid-19. Nhu cầu không chỉ xuất phát từ mong muốn nghỉ hưu ở nơi có khí hậu ấm áp và chi phí sống thấp hơn, mà còn để gần gũi gia đình và giảm thiểu rủi ro tài chính. Giới siêu giàu đang dần coi việc chỉ có một quốc tịch là một rủi ro, tương tự như đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Cuộc bầu cử và tình hình chính trị hiện tại càng làm tăng thêm lo ngại. Nhiều người không muốn sống trong một nước Mỹ đang phát triển với phong trào MAGA, trong khi một số khác lo ngại bạo lực có thể xảy ra nếu ông Trump thất bại hoặc việc bà Harris có thể tăng thuế với người giàu.
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng những lý do như bạo lực chính trị, các vụ xả súng và gánh nặng nợ công của Chính phủ Mỹ cũng đang thúc đẩy nhu cầu di cư.
Châu Âu hiện là điểm đến ưa chuộng của người Mỹ muốn định cư, với các quốc gia như Ý, Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp và Tây Ban Nha trở thành lựa chọn hàng đầu.
Tuy nhiên, tình hình nhập cư đang trở thành vấn đề nhạy cảm, với nhiều chính trị gia châu Âu phản đối chương trình "visa vàng" - cấp quyền cư trú dựa trên đầu tư.