Tại cửa hàng bách hóa Matsuya Ginza ở khu mua sắm cao cấp của Tokyo, nhiều người xếp hàng trước một căn phòng được chỉ định là "phòng cầu nguyện" vào một số thời điểm nhất định trong ngày.
Phòng được trang bị khu vực rửa chân để vệ sinh các bộ phận trên cơ thể trước khi thực hiện nghi lễ và có thảm để nhiều người cùng cầu nguyện.
Một phụ nữ Malaysia ngoài 30 tuổi cho biết cô đã tìm kiếm phòng cầu nguyện trực tuyến trước khi đến Nhật Bản và cô rất biết ơn vì rất khó tìm được một phòng cầu nguyện như vậy ở giữa khu vực đô thị.
Theo Cơ quan Du lịch Nhật Bản, người Hồi giáo thường cầu nguyện 5 lần một ngày, mặc dù một số người giảm tần suất xuống còn 3 lần trong chuyến đi du lịch. Các hoạt động của họ sẽ bị hạn chế nếu họ không thể tìm thấy phòng cầu nguyện và phải quay trở lại chỗ ở của mình.
"Phòng cầu nguyện là cơ sở hạ tầng cần thiết tương tự như phòng tắm và phòng chăm sóc trẻ em", một quan chức ngành bán lẻ cho biết, đồng thời nói thêm rằng, những người trong ngành cần hợp tác để lắp đặt những căn phòng như vậy.
Trong số các cửa hàng bách hóa khác ở Tokyo, Shibuya Parco ở khu mua sắm Shibuya đã mở một phòng cầu nguyện.
Aeon Mall - công ty điều hành các khu phức hợp mua sắm quy mô lớn, đã lắp đặt phòng cầu nguyện tại 7 cửa hàng trên khắp các tỉnh Chiba, Kanagawa, Aichi, Hiroshima và Okinawa, với kế hoạch mở rộng dịch vụ sang các cửa hàng khác.
Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, số lượng du khách đến Nhật Bản từ Indonesia, Malaysia và Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt quá 870.000 vào năm 2023, tăng gấp 2,7 lần so với một thập kỷ trước.