Chờ...

Nhờ dịch chuyển chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ tăng mạnh

VOH - Theo một số thống kê, xuất khẩu của ASEAN sang Hoa Kỳ đã vượt qua xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc trong quý 2/2024.

Điều này cho thấy vai trò ngày càng tăng của thị trường Hoa Kỳ với khu vực, trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chưa lắng xuống và kinh tế Trung Quốc chưa thật sự ổn định. Tất cả dẫn tới sự dịch chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

c_export_asean_us
Xuất khẩu của ASEAN vào Mỹ tăng mạnh trong quý 2/2024 - Ảnh: Nikkei Asia

Theo Nikkei Asia, xuất khẩu của 10 nước ASEAN sang Hoa Kỳ đạt 74 tỷ USD trong quý 2/2024, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua xuất khẩu sang Trung Quốc là 71 tỷ USD – tăng 3% so với năm 2023.

Trong số này, Philippines chứng kiến xuất khẩu vào Hoa Kỳ tăng tới 35%, tiếp theo là Việt Nam 24% và Malaysia 11%.

Ông Jun Neri, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Philippines Islands nói: “Ngoài việc phục hồi kinh tế Hoa Kỳ, nên cần nhiều hàng hóa từ bên ngoài hơn, thì đây là kết quả của sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Trung Quốc từ khi đại dịch xảy ra. Trung Quốc phong tỏa kéo dài trong thời gian đại dịch, khiến nhiều công ty phải chuyển sản xuất về quê nhà hoặc ra các nước lân cận.”

Riêng về chất bán dẫn và máy móc, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 41% trong quý 2/2024, tiếp theo là Philippines tăng 36%, Thái Lan tăng 16% và Malaysia tăng 9%.

Một số hạn chế của Hoa Kỳ với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, như với chất bán dẫn tiên tiến áp dụng từ tháng 10/2022, đã trực tiếp tạo ra sự tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp các quốc gia sản xuất giảm phụ thuộc vào nền kinh tế số 1 châu Á.

Việt Nam là 1 trong những bên hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đã thu hút thêm vốn đầu tư từ nhiều nhà sản xuất đang muốn tách Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng hàng hóa.

Hana Micron Vina - hãng sản xuất chip từ Hàn Quốc, đã xây dựng nhà máy ở tỉnh Bắc Giang vào tháng 9/2023. Theo VnEconomy, công ty có kế hoạch tăng tổng giá trị đầu tư vào Việt Nam lên hơn 1 tỷ USD năm 2025, từ 600 triệu USD năm 2022.

Tập đoàn SK Group của Hàn Quốc vừa mua một công ty sản xuất kinh doanh chất bán dẫn là Iscvina Manufacturing tại tỉnh Vĩnh Phúc, theo thỏa thuận trị giá 300 triệu USD. Đầu tháng 10/2024, ông Hang Sung Won, giám đốc SK Group Vietnam, khi thăm tỉnh này đã công bố thỏa thuận.

Việt Nam nằm gần Trung Quốc, nên nhiều nhà sản xuất chất bán dẫn và công ty công nghệ đã thành lập nhà máy ở phía Bắc, tận dụng chuỗi cung ứng từ Trung Quốc cũng như thị trường Trung Quốc. Samsung Electronics có nhà máy lớn ở Bắc Ninh và Thái Nguyên.

Ông Barry Weisblatt, giám đốc nghiên cứu tại VNDIRECT Securities chỉ ra rằng, kinh tế Hoa Kỳ phục hồi là 1 nguyên nhân giải thích tại sao hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này tăng mạnh.

Ông nói: “Mối quan hệ ngoại giao liên tục được cải thiện giữa 2 nước, và lực lượng lao động giá rẻ có tay nghề cao của Việt Nam, đã giúp mở rộng xuất khẩu. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tạo lợi thế cho ngành sản xuất của Việt Nam. Chúng tôi tin xu hướng này sẽ tiếp tục bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới.”

Tại Malaysia, ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ, và sẵn sàng tăng tốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Chính phủ ở Kuala Lumpur đang nỗ lực định vị quốc gia là trung tâm sản xuất toàn cầu. Tháng 5/2024, Thủ tướng Anwar Ibrahim nói rằng, họ sẽ phân bổ khoảng 5,7 tỷ USD trong vòng 5 đến 10 năm tới, để đào tạo nguồn nhân lực bán dẫn ở địa phương.

Tháng 8/2024, Infineon – hãng chip hàng đầu châu Âu, đã bắt đầu sản xuất tại cơ sở lớn nhất của mình ở Malaysia. Nhà máy tại Kulim sẽ là nơi chế tạo silicon carbide (SiC) lớn nhất thế giới, khi đạt công suất tối đa trong 5 năm tới. Infineon đang để mắt tới nhu cầu từ lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng dụng trong xe điện cũng như trung tâm dữ liệu AI.

Thái Lan, quốc được mệnh danh là “Detroit của châu Á” từ những năm 1960 nhờ ngành công nghiệp ô tô phát triển, hiện cũng đang đẩy mạnh công nghiệp bán dẫn, khi nhu cầu cao xuất phát từ quá trình chuyển đổi tự nhiên sang xe điện.