Chờ...

Núi lửa Marapi phun trào vào những người thám hiểm dã ngoại

VOH - Hôm nay, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm những thi thể trên  ngọn núi lửa Marapi ở Indonesia thức giấc vào cuối tuần qua. Trong đó có những người là những nhà thám hiểm thích khám phá núi lửa.

Theo AP thì Lực lượng cứu hộ tại Indonesia đã tìm thấy thêm nhiều thi thể những người leo núi bị mắc kẹt trong vụ phun trào núi lửa bất ngờ này, nâng số người thiệt mạng lên 23 người. 

Ngọn Marapi nằm trên đảo Sumatra, hòn đảo cực tây và lớn thứ ba trong số 18.000 hòn đảo của Indonesia. Ngọn núi cao 2.891m so với mực nước biển. Hàng trăm người vẫn đang tìm kiếm 10 người thám hiểm dã ngoại bị mất tích trên núi Marapi ở Sumatra sau khi Marapi phun trào vào 3/12.

Núi lửa Marapi, gần làng Wonokerto, Yogyakarta, Indonesia thức giấc
Núi lửa Marapi, gần làng Wonokerto, Yogyakarta, Indonesia thức giấc - Ảnh: AFP

Cuộc tìm kiếm đã bị dừng lại vào hôm qua thứ Hai do lo ngại về an toàn khi các vụ phun trào liên tục xảy ra.

Núi lửa đã phun một đám mây tro bụi cao 3 km vào không trung, làm bầu trời mờ đi và tro bay ra bao phủ các ngôi làng xung quanh. Hầu hết trong số 75 người thám hiểm trong khu vực khi vụ phun trào xảy ra đã được sơ tán an toàn.

Khoảng 200 người nữa đã được triển khai để hỗ trợ tìm kiếm vào sáng thứ Ba, ngay cả khi các quan chức cảnh báo rằng núi lửa vẫn đang hoạt động.

Núi lửa Marapi phun trào vào những người thám hiểm dã ngoại 2
Núi lửa đã phun ra một đám mây tro bụi cao 3 km vào không trung

Ahmad Rifandi, một quan chức tại Trạm giám sát ngọn núi Marapi, nói với AFP rằng ông đã quan sát thấy 5 vụ phun trào từ nửa đêm đến 08:00 giờ sáng (giờ địa phương) thứ Ba.

Ông nói : “Marapi vẫn còn hoạt động rất mạnh. Chúng tôi không thể nhìn thấy độ cao của cột khói vì nó bị mây che phủ”

Núi Marapi, tên địa phương có nghĩa là "Núi của lửa", là một trong những ngọn núi lửa hoạt động mạnh nhất trong số 127 ngọn núi lửa ở Indonesia và cũng là địa điểm của những người thích thám hiểm khám phá núi lửa.

Một số con đường mòn lên núi mở cửa trở lại vào tháng 6 năm ngoái do tro bụi phun trào từ tháng 1 đến tháng 2. Vụ phun trào nguy hiểm nhất của núi Marapi xảy ra vào năm 1979, khiến 60 người thiệt mạng.

Abdul Malik, người đứng đầu Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Padang, cho biết ba người được giải cứu gần miệng núi lửa hôm thứ Hai đều bị bỏng và sức khỏe yếu. Sau đó cuộc tìm kiếm đã bị đình chỉ.

49 nhà leo núi đã được sơ tán khỏi khu vực trước đó trong ngày, nhiều người trong số họ cũng bị bỏng. Cơ quan chức năng vẫn chưa tiết lộ danh tính của những người này.

Đoạn video về vụ phun trào hôm Chủ nhật cho thấy một đám mây tro núi lửa khổng lồ lan rộng khắp bầu trời, ô tô và đường sá bị bao phủ kín bởi tro bụi.

Các nhân viên cứu hộ thay phiên nhau khiêng người chết và người bị thương xuống núi bất chấp những địa hình hiểm trở và đưa họ lên những chiếc xe cứu thương hú còi chờ sẵn.

Rudy Rinaldi, người đứng đầu Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Tây Sumatra cho biết: “Một số người bị bỏng da vì trời rất nóng và họ đã được đưa đến bệnh viện”.

Người sống sót mặt phủ đầy tro bụi gửi video cho mẹ để cầu cứu
Người sống sót mặt phủ đầy tro bụi gửi video cho mẹ để cầu cứu - Ảnh: cắt từ clip

Một trong những người thám hiểm, Zhafirah Zahrim Febrina, đã kêu gọi mẹ cô giúp đỡ trong một tin nhắn video  từ núi lửa. Cô sinh viên 19 tuổi có biệt danh là Ife tỏ ra rất hoảng loạn, mặt cô bị bỏng và đầu tóc phủ tro xám dày.

"Mẹ ơi, hãy giúp Ife. Đây là tình huống của Ife lúc này," cô nói qua hình ảnh trên điện thoại. Ife đang đi leo núi Marapi cùng với 18 người bạn học thì núi lửa thức giấc và giờ đang nằm viện để điều trị.

Mẹ của Ife, Rani Radelani, nói với AFP rằng con gái bà đã  bị “chấn thương nặng nề.” “Cô ấy bị ảnh hưởng tâm lý vì nhìn thấy vết bỏng của mình qua điện  thoại và  phải chịu đựng đau đớn suốt đêm qua”,  bà mẹ nói.

AFP kể lại một người leo núi khác rên rỉ đau đớn và nói “Chúa thật tuyệt vời” khi đang được một người cứu hộ cõng trên lưng.

Trước khi ngọn núi thức giấc vào ngày 3/12, nhà chức trách Indonesia đã ban hành cảnh báo núi lửa cấp độ 2 trong hệ thống thang cảnh báo gồm 4 cấp.

Theo đó, các cộng đồng sinh sống gần núi lửa và du khách không được phép tiến vào vùng có bán kính 3km quanh miệng núi lửa.

Núi lửa Marapi là núi lửa hoạt động nhiều nhất trên đảo Sumatra.

Indonesia nằm trên "Vành đai lửa" Thái Bình Dương nên xảy ra các hoạt động địa chấn và núi lửa phun trào. Hiện quốc gia này có gần 130 núi lửa còn hoạt động.