Ông Tập Cận Bình gặp giới doanh nghiệp tư nhân, phát tín hiệu quan trọng về kinh tế Trung Quốc

VOH - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên kể từ năm 2018 tổ chức cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân hàng đầu nước này.

Bao gồm những gương mặt nổi bật như Jack Ma (Alibaba), Nhậm Chính Phi (Huawei), Mã Hóa Đằng (Tencent), Lôi Quân (Xiaomi), Vương Truyền Phúc (BYD). Động thái này được đánh giá là dấu hiệu quan trọng về sự thay đổi chính sách của Bắc Kinh đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Theo SCMP, cuộc gặp này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức, bao gồm tốc độ phục hồi chậm, niềm tin của nhà đầu tư sụt giảm, căng thẳng thương mại với Mỹ và hậu quả từ các chính sách siết chặt trước đây đối với tập đoàn công nghệ lớn.

Tap can binh 2024
 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về doanh nghiệp tư nhân ngày 17/2 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: Tân Hoa Xã.

Phát biểu tại hội nghị, ông Tập nhấn mạnh rằng kinh tế tư nhân là một phần quan trọng của hệ thống xã hội chủ nghĩa Trung Quốc và chính phủ sẽ tiếp tục tạo điều kiện để khu vực này phát triển. Ông kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới công nghệ, quản trị minh bạch, phát triển nguồn nhân lực và quản lý rủi ro hiệu quả.

Đáng chú ý, Chủ tịch Trung Quốc thừa nhận sự bất ổn trong môi trường kinh doanh, cam kết giải quyết tình trạng áp thuế nặng, thanh tra tùy tiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân.

“Chúng ta phải tập trung giải quyết vấn đề chậm thanh toán đối với doanh nghiệp tư nhân, đồng thời chấn chỉnh các khoản phí, tiền phạt vô lý”, ông Tập tuyên bố.

Việc Jack Ma xuất hiện công khai trong một hội nghị cấp cao với chính quyền Bắc Kinh được đánh giá là dấu hiệu quan trọng. Tỷ phú này đã giữ thái độ kín tiếng kể từ khi Bắc Kinh chặn đợt IPO trị giá 37 tỷ USD của Ant Group vào năm 2020 và siết chặt kiểm soát các tập đoàn công nghệ lớn.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự tham dự của Jack Ma thể hiện sự thừa nhận chính thức của chính quyền Trung Quốc đối với đóng góp của doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát và hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân nhiều hơn.

Trung Quốc đặt cược vào công nghệ giữa căng thẳng thương mại với Mỹ

Hội nghị lần này còn thể hiện rõ định hướng chiến lược của Trung Quốc trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ toàn cầu ngày càng gay gắt. Trong danh sách khách mời có nhiều lãnh đạo từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei, Alibaba, Xiaomi, Tencent, BYD, cũng như các công ty phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và sản xuất vi mạch.

Bắc Kinh đặt trọng tâm vào đổi mới công nghệ và củng cố chuỗi cung ứng, nhất là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 10% lên hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc cũng gia tăng kiểm soát xuất khẩu khoáng sản chiến lược, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào AI, bán dẫn, xe điện và năng lượng tái tạo để giảm phụ thuộc vào phương Tây.

Việc tổ chức cuộc gặp cấp cao với giới doanh nghiệp lần này được đánh giá là bước đi mang tính biểu tượng, phát tín hiệu rõ ràng rằng chính quyền Trung Quốc muốn khu vực tư nhân đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế.

“Danh sách khách mời cho thấy rằng phát triển vẫn là ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh, thay vì đánh đổi tăng trưởng để tập trung vào an ninh”, bà Su Yue, nhà kinh tế trưởng tại Economist Intelligence Unit (EIU) nhận định.

Chính phủ Trung Quốc kỳ vọng với các chính sách hỗ trợ mới, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân sẽ có niềm tin mạnh mẽ hơn, thúc đẩy đầu tư và góp phần đưa nền kinh tế Trung Quốc vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Bình luận