Theo thông tin từ CNN, trong bối cảnh quân đội Ukraine đang gặp nhiều tổn thất và thiếu sự hỗ trợ quân sự cần thiết từ phương Tây, Trump muốn khẳng định bản thân là một "nhà đàm phán xuất sắc" và cam kết sẽ giải quyết cuộc xung đột này, nhất là khi Ukraine đang dần thua trận.
Thời điểm hiện tại được cho là thuận lợi cho Trump để thực hiện chiến lược này, bởi quân đội Ukraine đang thiếu hụt quân lính và khả năng chiến đấu, trong khi tình hình chiến sự ngày càng trở nên tồi tệ.
Các báo cáo cho thấy Ukraine không còn đủ lực lượng trẻ để duy trì cuộc chiến, và sự thiếu hụt viện trợ quân sự từ phương Tây càng làm tình hình thêm nghiêm trọng.
Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức về những điều kiện mà Trump sẽ đưa ra trong các cuộc đàm phán, những thông tin rò rỉ từ các nguồn tin cho thấy rằng Mỹ có thể sẽ không thách thức quyền kiểm soát của Nga đối với Bán đảo Crimea.
Ukraine có thể sẽ phải chấp nhận mất một phần lãnh thổ ở miền Đông để đổi lấy hòa bình. Một số giả thuyết khác còn cho rằng, mặc dù Kiev không có triển vọng gia nhập NATO, Mỹ có thể sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Ukraine.
Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Joe Biden gần đây đã thay đổi chính sách, khi dỡ bỏ lệnh cấm đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Động thái này đánh dấu một thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine. Các nguồn tin cho biết Ukraine dự định sẽ tiến hành các đợt tấn công tầm xa đầu tiên, sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên tới 306km.
Quyết định của chính quyền Biden được đưa ra chỉ vài tháng trước khi Donald Trump nhậm chức, mở ra những kỳ vọng về một chính sách đối ngoại khác biệt với chính quyền hiện tại và một hướng đi có thể thay đổi cục diện cuộc chiến này.