Tại hội nghị diễn ra tại Vienna (Áo) ngày 5/10, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11/2022. Động thái diễn ra bất chấp sức ép từ Mỹ và nhiều nước đề nghị OPEC+ tăng sản lượng để giảm giá năng lượng toàn cầu.
Ả Rập Saudi cho biết việc cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày - tương đương 2% nguồn cung toàn cầu - là cần thiết để đối phó với việc phương Tây tăng lãi suất và cũng như sự suy yếu trong nền kinh tế thế giới. Nước này cũng bác bỏ những lời chỉ trích rằng họ thông đồng với Nga, cũng là một thành viên của OPEC+, để đẩy giá lên cao hơn.
Đây là mức giảm sản lượng lớn nhất của OPEC+ kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cho thấy ý định của OPEC+ là giữ giá ở mức cao sau khi trải qua 7 năm giá thấp, giới phân tích cho biết.
Trước đó, giá dầu đã giảm từ 120 USD xuống khoảng gần 90 USD chỉ trong vòng 3 tháng, giữa lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu, lãi suất cơ bản tại Mỹ tăng và đồng USD tăng giá. Với việc cắt giảm sản lượng dầu vào cuối năm, giá dầu thế giới nhiều khả năng sẽ có biến động lớn khi nguồn cung ngày càng hạn chế.
Phản ứng của Mỹ
Quyết định của OPEC+ không được Mỹ hoan nghênh trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đang nỗ lực kiềm chế lạm phát tăng cao. Mỹ trước đó nhiều lần kêu gọi OPEC không cắt giảm sản lượng. Washington cho rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế toàn cầu hiện không thuận lợi cho quyết định cắt giảm sản lượng.
Ngoài ra, quyết định của OPEC+ cũng có khả năng làm gián đoạn những nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm thiết lập giới hạn giá dầu từ Nga. Đây là kế hoạch do Mỹ đề xuất như một cách để hạn chế dòng tiền chảy vào nước này và được dùng cho các mục đích quân sự.
Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ xem xét việc tiếp tục “xả” kho dầu chiến lược để đối phó với tình hình hiện nay.
Tuyên bố từ Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Brian Deese cho biết “Tổng thống thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ khi giảm hạn ngạch sản xuất trong lúc nền kinh tế toàn cầu đang phải ứng phó với những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột ở Ukraine."
Ông Biden đang đối diện với tỷ lệ ủng hộ thấp trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vì lạm phát tăng cao. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ có chuyến Ả Rập Saudi, một đồng minh lâu năm của Washington, để thuyết phục hợp tác nhằm hạ giá dầu, nhưng không nhận được sự bảo đảm nào.
Từ năm 2021, OPEC+ bắt đầu tăng sản lượng sau khi thị trường phục hồi. Sản lượng trở về mức trước đại dịch COVID-19 trong năm 2022 nhưng chỉ trên văn bản vì một số thành viên phải chật vật để đạt chỉ tiêu tăng sản lượng.
Đến tháng 9 vừa qua, sau hơn 1 năm, lần đầu tiên OPEC+ lại quyết định cắt giảm sản lượng nhưng chỉ là một động thái tượng trưng với mức cắt giảm là 100.000 thùng/ngày từ tháng 10. Các bộ trưởng OPEC+ cũng nhất trí cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.