Chờ...

Phong trào Fatah của Tổng thống Abbas sẽ kiểm soát dải Gaza khi Hamas bị đẩy lùi?

VOH - Khi quân đội Israel chuẩn bị đổ bộ vào Gaza, một câu hỏi liên tục được đặt ra: Ai sẽ kiểm soát khu vực này, nếu nhà nước Do Thái tiêu diệt Hamas – trong trường hợp thực sự có thể làm như vậy?

Nhiều người, đặc biệt là các đồng minh của Israel, đang trông cậy vào chính quyền Palestine (PA) do phong trào Fatah lãnh đạo, dưới sự chỉ huy của Tổng thống Mahmoud Abbas, vốn đã bị Hamas trục xuất khỏi dải Gaza năm 2005.

Lãnh đạo Fatah, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - Ảnh: AP
Lãnh đạo Fatah, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - Ảnh: AP

Nhưng dường như Fatah không có đủ khả năng để thực hiện điều đó. Trên thực tế, không có gì đảm bảo rằng, vào cuối cuộc chiến này, Fatah thậm chí sẽ nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Ramallah, thủ đô của Bờ Tây.

Ra đời từ hiệp định Oslo năm 1993, chính quyền Palestine của Fatah, được cho là nền tảng của nhà nước Palestine trong tương lai. Nhưng khi triển vọng thành lập nhà nước đó giảm sút, niềm tin vào chính quyền do Tổng thống Mahmoud Abbas 87 tuổi lãnh đạo, bị nhiều người Palestine coi là tham nhũng và bất tài, cũng giảm theo.

Ông Abbas được bầu để đảm nhận nhiệm kỳ tổng thống 4 năm vào năm 2005. Ông giữ chức kể từ đó.

Ông Salam Fayad, cựu Thủ tướng của PA nói: “Thực sự không còn nhiều thứ mang tính hợp pháp của PA. Trừ khi họ thay đổi hướng đi, nếu không chỉ còn là cái bóng rỗng.”

Một phần vì không thể bảo vệ thường dân Palestine ở Bờ Tây khỏi các cuộc tấn công của người định cư Israel, hoặc ngăn chặn việc mở rộng các khu định cư Do Thái, PA đã mất quyền kiểm soát an ninh ở nhiều nơi, vào nhóm chiến binh như Kata'ib Jenin trong những năm gần đây. Sau khi Hamas tàn sát 1.400 người Israel vào ngày 7/10, Israel trả đũa bằng hàng loạt vụ không kích, đã kích động mạnh mẽ bạo lực tại bờ Tây giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel.

Trong một cuộc thăm dò vào tháng 9/2023, 53% người dân Palestine cho biết, họ nghĩ đấu tranh vũ trang chống lại Israel là cách tốt nhất để thành lập một nhà nước, so với chỉ 20% ủng hộ đàm phán.

Khi chiến tranh ở Gaza tiếp diễn, với hàng loạt bức ảnh cho thấy, dân thường thiệt mạng vì bom của Israel, sự nổi tiếng của Hamas dường như ngày càng tăng, trong khi uy tín của PA giảm sút.

Khi có tin về vụ nổ tại bệnh viện Ahli Arab ở Gaza, đám đông giận dữ đã đổ ra đường ở Bờ Tây. Tuy nhiên, sự tức giận của họ không nhắm vào Israel, quốc gia hầu hết người Palestine tin rằng đã ném bom bệnh viện. Thay vào đó, sự tức giận nhắm vào PA. Hàng trăm người đã tuần hành trước dinh thự của Tổng thống Abbas ở Ramallah. Mang âm hưởng các cuộc biểu tình làm rung chuyển thế giới Ả Rập và lật đổ các chính phủ năm 2011, nhiều người hô vang: “Chúng tôi muốn tổng thống từ chức”.

Fatah do ông Abbas lãnh đạo đang bị chia rẽ, bởi đấu đá nội bộ về việc ai sẽ kế vị. Bây giờ còn chia rẽ hơn nữa, vì lập trường của mình đối với Hamas. Những người thân cận với nhà lãnh đạo Mahmoud Abbas tin rằng, Fatah đang chứng kiến Israel đè bẹp đối thủ Hồi giáo của mình, mang lại cho họ cơ hội giành quyền kiểm soát Gaza. Tuy nhiên, nhiều người trong đảng lại nghĩ khác. Một quan chức Fatah ở Ramallah nói: “Sự sụp đổ của Hamas ở Gaza, sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Fatah ở Bờ Tây”.

Ngay cả những người không mấy yêu mến Hamas vì lòng nhiệt thành Hồi giáo của tổ chức này, cũng thất vọng trước viễn cảnh bị Israel xóa sổ. Họ đang thúc giục ông Abbas gạt bỏ chủ nghĩa bè phái sang một bên, tập hợp phong trào Fatah bên cạnh Hamas, tiến tới thành lập chính phủ đoàn kết.

Ông Raed al-Debiy, một quan chức của Fatah ở Nablus, thành phố lớn nhất Bờ Tây cho biết: “Cả hai bên đều cần nhau. Hamas cần tính hợp pháp quốc tế của Fatah. Fatah cần sự nổi tiếng của Hamas.”

Cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp của PA đang trở nên trầm trọng hơn, bởi vấn đề tài chính. Mặc dù PA không thể phát triển thành một nhà nước Palestine độc lập, nhiều người Palestine vẫn chấp nhận, đơn giản đến từ lương và việc làm trong khu vực công.

Tuy nhiên, có vẻ như PA thậm chí không thể tự lo được những thứ này. Trong vài tuần tới, PA sẽ trả lương cho khu vực công, bao gồm 34.000 thành viên lực lượng an ninh Palestine. Theo một quan chức cấp cao, họ chỉ đủ khả năng trả 50% tiền lương tháng này. Lý do trước cuộc chiến hiện tại ở Gaza, Israel đã giữ lại các khoản thu từ hải quan mà họ có nghĩa vụ giao nộp cho PA. Cuộc khủng hoảng tiền mặt có thể sẽ trở nên gay gắt hơn do chiến tranh, vì Israel đã đóng cửa biên giới với hàng nghìn người Palestine ở Bờ Tây - những người thường làm việc ở Israel và nộp thuế thu nhập cho PA.

Các thành viên lực lượng an ninh của Fatah thường bị bạn bè và gia đình cáo buộc, là ủy quyền cho Israel chiếm đóng Bờ Tây. Trong nhiều trường hợp, điều duy nhất khiến họ không rời bỏ vị trí, là lương hàng tháng. Trước đây, PA đã vượt qua những cơn bão tài chính, dẫu trả lương muộn hoặc không đầy đủ. Nhưng đợt cắt giảm lương sắp tới còn lớn hơn. Nếu tiếp tục, hàng chục nghìn thanh niên trong lực lượng cảnh sát và an ninh quốc gia, có thể không đi làm. Một số sẽ là tân binh cho các nhóm vũ trang ở Bờ Tây, bao gồm Hamas và Thánh chiến Hồi giáo Jihad - nhóm chịu trách nhiệm về vụ nổ bệnh viện ở Gaza. Trong mọi trường hợp, thật khó để thấy các lực lượng an ninh không được lòng dân và không được trả lương, sẽ đứng vững thế nào nếu người Palestine cố gắng cướp phá dinh tổng thống.

Ông Amjad Bashqar, một quan chức Hamas ở Nablus nói: “Công chúng Palestine đang thất vọng đến đỉnh điểm, và sẽ chống lại chính quyền. Điều duy nhất trì hoãn quá trình này, là sự tập trung của chúng tôi vào cuộc kháng chiến với Israel.”