Chờ...

Quan hệ chính trị phức tạp và lợi ích của Ai Cập tại Sudan

VOH - Nhiều ý kiến cho rằng, với tầm ảnh hưởng lớn, Ai Cập có thể làm trung gian hòa giải cuộc xung đột tại Sudan, giữa quân Chính phủ và lực lượng phản ứng nhanh (RSF).

Tuy nhiên tại sao hơn 1 năm qua, vẫn chưa có kết quả cụ thể nào? Hậu quả cuộc chiến hiện đã lan sang cả các nước láng giềng, trong đó có Ai Cập.

2024-08-26_141523
Ai Cập và Sudan là 2 nước láng giềng có nhiều gắn kết trong lịch sử - Ảnh: Google map

Xung đột ở Sudan, lúc thì phe này chiếm ưu thế, lúc thì phe kia. Các cuộc đàm phán được nhận xét cũng giống như giằng co trên chiến trường.

Đặc phái viên Hoa Kỳ về tình hình Sudan, ông Tom Perriello, đã hủy cuộc gặp với phái đoàn Chính phủ Sudan tại Ai Cập, một phần do nhân sự tham dự.

Hoa Kỳ muốn gặp đại diện quân đội Sudan, nhưng Chính phủ do quân đội kiểm soát đã cử ông Mohamed Bashir Abunomo – bộ trưởng khoáng sản làm trưởng đoàn. Cũng chính phái đoàn này trước đó đã gặp các nhà trung gian ở thành phố Jeddah của Ả Rập Xê Út, nhưng không có tiến triển đáng kể nào.

Theo giới quan sát, đàm phán giữa 2 phe tại Sudan, thường xuyên bị phủ bóng đen bởi nỗi sợ hãi, rối loạn lo âu và nghi kị xã hội. Điều này khiến 1 bên tẩy chay đàm phán hòa bình tại Geneva. Ai Cập vẫn thường xuyên tham gia vào quá trình hòa giải, chứng tỏ họ thực sự nghiêm túc.

Ai Cập giữ thái độ trung lập, liên tục kêu gọi chấm dứt giao tranh giữa quân đội Chính phủ của tướng Abdel Fattah al-Burhan và lực lượng phản ứng nhanh (RSF) của tướng Mahamed Hamdan Dagalo. Một số cáo buộc thiên vị đã cản trở nỗ lực của Ai Cập. Ngoài ra, sự có mặt của 1 số bên khác không hiểu bản chất cuộc chiến, cũng khiến đàm phán thêm phức tạp.

Quan hệ Ai Cập - Sudan bắt nguồn từ lịch sử nhiều nghìn năm. Hai nước láng giềng này có giao thoa về tôn giáo, văn hóa và chính trị. Gốc rễ của 2 quốc gia, cùng bắt đầu từ các nền văn minh cổ đại dọc theo sông Nile.

Thời hiện đại, mối quan hệ được định hình bởi lịch sử thuộc địa, quản lý nước sông Nile và quan tâm về an ninh chung.

Thế kỷ 20, quan hệ được nhìn nhận qua lăng kính chủ nghĩa dân tộc Ả Rập. Ai Cập đóng vai trò quan trọng, trong việc định hình bối cảnh chính trị ở Sudan.

Tuy nhiên sau năm 2011, với việc Sudan chia thành hai quốc gia — Sudan và Nam Sudan — động lực địa chính trị ở khu vực bắt đầu thay đổi.

Lợi ích của Ai Cập tại Sudan vẫn nhiều, nhưng sự phức tạp chính trị nội bộ, đặc biệt là quá trình xuất hiện của nhiều nhóm quân sự lẫn bán quân sự, đã đặt ra thách thức mới cho Cairo.

Trong tất cả khủng hoảng này, Ai Cập luôn có lập trường rõ ràng, là không đứng về phe nào. Ai Cập ủng hộ nguyên tắc để người dân Sudan quyết định số phận quốc gia, không nên có sự can thiệp hoặc thống trị của bất kỳ nhóm bên ngoài nào.

Ai Cập tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng Sudan, để bảo vệ một số lợi ích.

Đầu tiên là sông Nile - nguồn sống của Ai Cập. Bất kỳ xung đột nào ở Sudan, đều trở thành mối đe dọa với an ninh nguồn nước của Ai Cập.

Ổn định chính trị ở Sudan, còn quan trọng với an ninh Ai Cập, do Cairo lo ngại sự lan rộng chủ nghĩa cực đoan và xung đột vũ trang dọc theo biên giới.

Thứ ba là kinh tế. Sudan mang đến cơ hội đầu tư và thương mại. Các công ty Ai Cập tham gia vào nhiều lĩnh vực khác nhau ở Sudan, từ nông nghiệp đến viễn thông. Bất ổn ở Sudan đe dọa lợi ích kinh tế trên, làm gián đoạn các tuyến đường thương mại.

Do đó, sự tham gia của Ai Cập vào hoạt động hòa giải, để chấm dứt chiến tranh là rất quan trọng, nhưng Cairo sở hữu công cụ nào làm điều đó?

Về chính trị, Ai Cập duy trì quan hệ chặt chẽ với những nhân vật lãnh đạo ở Sudan, cho phép Cairo dễ dàng đóng vai trò trung gian.

Về kinh tế, Ai Cập tận dụng quan hệ thương mại, đầu tư và viện trợ, như công cụ gây ảnh hưởng. Trong thời kỳ khủng hoảng, Ai Cập viện trợ nhân đạo cho Sudan, tự biến mình thành đối tác chính của Sudan. Ảnh hưởng kinh tế đóng vai trò lớn, trong việc thuyết phục các phe phái ở Sudan liên kết với lợi ích của Ai Cập.

Về quân sự, Ai Cập có sự hiện diện đáng kể trong khu vực, trước đây đã hỗ trợ quân đội Sudan duy trì ổn định, đặc biệt trước những thách thức ngày càng tăng từ các nhóm vũ trang khác.

Điều này mang lại cho Ai Cập ảnh hưởng đáng kể, đối với một trong những thể chế mạnh nhất ở Sudan. Quân đội từ lâu là nhân tố chủ chốt trong hệ thống chính trị Sudan, thường kiểm soát Chính phủ trực tiếp hoặc gián tiếp. Bằng cách duy trì mối quan hệ chặt chẽ, Ai Cập đảm bảo rằng, họ có vai trò trong các diễn biến chính trị của nước láng giềng.

Tuy nhiên nhận thức rằng, Ai Cập ủng hộ một bên trong xung đột, có thể mang đến rủi ro với bất kỳ vai trò trung gian nào.

Ai Cập luôn cố gắng vượt qua nhận thức trên, để có cách tiếp cận cân bằng.

Cairo thực thi chiến lược ngoại giao thừa nhận sự hiện diện của RSF. Lập trường của Ai Cập rất rõ ràng, trung lập nhưng có năng lực quân sự để duy trì hòa bình ở Sudan trong tương lai, bằng cách hợp tác với bất kỳ chính quyền nào được bầu.

Ai Cập cũng tìm cách tận dụng mối quan hệ của mình, với các bên trong khu vực lẫn quốc tế, để khuyến khích nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết xung đột.

Bằng cách hợp tác với liên minh châu Phi, Liên Hợp Quốc và quốc gia chủ chốt ở vùng Vịnh, Ai Cập có thể đóng góp vào đàm phán đa phương, tiến tới hòa bình lâu dài.

Ai Cập nhận thức rõ rằng, an ninh của mình bắt đầu từ an ninh các nước láng giềng. Tiếp tục chiến tranh ở Sudan gây hại cho Ai Cập ở mọi cấp độ, nhưng các cuộc đàm phán bị đình trệ không phải là lỗi của Cairo. Họ đang cố gắng mọi cách có thể, để mang lại sự hòa giải.