Tiêu điểm: Nhân Humanity

Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Trung Quốc dần cải thiện

VOH - Quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Trung Quốc có tiến triển trong thời gian gần đây, sau giai đoạn "nhạy cảm" liên quan đến vấn đề người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Theo Nikkei Asia, hãng xe điện Trung Quốc BYD chuẩn bị đầu tư lớn vào Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Tayyip Erdogan cũng thông báo, 2 bên sắp có chuyến thăm cấp nhà nước. Tất cả báo hiệu đang có thay đổi lớn trong quan hệ song phương.

c_erdogan_xi
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ (trái) và Chủ tịch Trung Quốc vừa gặp nhau ở Kazakhstan - Ảnh: Politics Today

Tổng thống Erdogan và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau tại Kazakhstan vào ngày 4/7, bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tập chỉ ra rằng, quan hệ song phương vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định.

Cuối tháng 7, trên đường trở về từ hội nghị thượng đỉnh NATO tại Hoa Kỳ, ông Erdogan tiết lộ với các phóng viên, Chủ tịch Tập đã mời ông đến Trung Quốc trong năm nay.

Ông Erdogan nói tiếp: “Tôi mời ông ấy đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ấy đáp là sẽ thăm lại vào năm sau. Chúng tôi có cơ hội thảo luận về mọi khía cạnh song phương và thương mại. Rất có thể tôi sẽ thăm Trung Quốc sau cuộc họp Liên Hợp Quốc vào tháng 9, và ông Tập sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2025.”

Bốn ngày sau cuộc hội đàm ở Kazakhstan, BYD ký thỏa thuận đầu tư trị giá 1 tỷ USD với Bộ trưởng Công nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ, để trở thành nhà sản xuất xe điện nước ngoài đầu tiên tiến vào quốc gia Tây Á. Thỏa thuận cho phép công ty Trung Quốc tiếp cận thị trường liên minh châu Âu, thông qua liên minh hải quan giữa Thổ Nhĩ Kỳ với khối.

Cuộc gặp của 2 lãnh đạo diễn ra sau chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Ngoại giao Hakan Fidan, và các thành viên đảng cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ tháng 6/2024.

Ông Fidan trước đây là người đứng đầu cơ quan tình báo, có nhiệm vụ hàn gắn mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với láng giềng như Ai Cập, Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ông đã gặp quan chức cấp cao Trung Quốc, bao gồm Phó Chủ tịch Hàn Chính và Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị tại Bắc Kinh. Ông cũng đến thăm Urumqi, thủ phủ khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Phái đoàn được tiếp đón rất nồng hậu tại Tân Cương. Các yêu cầu vào phút chót như đi dạo tại chợ quốc tế Grand Bazaar, đều được phía Trung Quốc đáp ứng.

Trong buổi họp báo chung với ông Vương, ngoại trưởng Fidan định nghĩa Urumqi và Kashgar là hai thành phố cổ của người Turk. Hồi giáo đóng góp đáng kể vào di sản văn hóa Trung Quốc. Hai thành phố này đóng vai trò cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới Hồi giáo.

Trước đó, Trung Quốc nhiều lần bất bình với Thổ Nhĩ Kỳ, vì Ankara liên tục từ chối dẫn độ những người Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh yêu cầu. Tháng 2/2024, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một số người, bị tình nghi làm gián điệp cho cơ quan tình báo Trung Quốc. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ liên tục tố cáo Trung Quốc đồng hóa người Duy Ngô Nhĩ, để họ mất bản sắc và dần trở thành người Hán. Người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và người Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, có quan hệ họ hàng. Họ chia sẻ chung nhiều giá trị văn hóa và ngôn ngữ.

Chuyên gia Kadir Temiz, giảng viên Học viện Tình báo Quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ nói với Nikkei Asia rằng, khủng hoảng Trung Đông và chiến tranh Ukraine, đã thúc đẩy Thổ Nhĩ Kỳ theo đuổi chiến lược phòng ngừa giữa các cường quốc, bằng cách sửa chữa mối quan hệ với Trung Quốc.

Bình luận