Nước này cho biết sẽ chi 780 triệu euro để bảo vệ “hệ sinh thái biển đa dạng và độc đáo” của mình.
Thủ tướng Hy Lạp, Kyriakos Mitsotakis nói với các đại biểu tại hội nghị ‘Đại dương của chúng ta’ ở Athens hôm 16/4: “Chúng tôi đã thành lập thêm hai công viên quốc gia biển, một ở Ionian và một ở Aegean, tăng quy mô các khu bảo tồn biển của Hy Lạp lên gấp nhiều lần - khoảng 80%.
Chúng tôi sẽ cấm đánh bắt đáy ở các công viên quốc gia vào năm 2026 và ở tất cả các khu bảo tồn biển vào năm 2030”.
Ông cho biết, nước này sẽ thiết lập một hệ thống giám sát hiện đại, bao gồm cả máy bay không người lái để thực thi lệnh cấm.
Công viên quốc gia biển Ionia được đề xuất sẽ bao phủ gần 12% lãnh hải của Hy Lạp, bảo vệ các loài động vật có vú ở biển như cá nhà táng, cá heo sọc và loài hải cẩu Địa Trung Hải dễ bị tổn thương. Trong khi đó, công viên biển Nam Aegean, bao phủ 6,61% lãnh hải của Hy Lạp.
Quyết định của chính phủ Athens về việc tiếp tục xây dựng hai công viên biển mới ở Aegean và Ionian đã làm dấy lên căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước cảnh báo Hy Lạp rằng, đề xuất ở Aegean nằm trong khu vực tranh chấp và sáng kiến này “có động cơ chính trị”.
Tuy nhiên, các nhà bảo tồn hoan nghênh quyết định của Hy Lạp và cho biết, họ hy vọng động thái này sẽ tạo ra “hiệu ứng domino” để các nước EU khác làm điều tương tự.
Đánh bắt bằng lưới kéo đáy biển cùng tàu công nghiệp là một kỹ thuật đánh bắt gây thiệt hại nặng nề, kéo theo những lưới nặng dưới đáy biển, phá hủy môi trường sống và thải carbon vào biển và khí quyển.
Oceana - cùng với các tổ chức phi chính phủ khác, Hiệp hội bảo tồn biển và các vùng biển có nguy cơ - đã kêu gọi EU thực hiện hành động cứng rắn hơn đối với các thành viên vẫn cho phép đánh bắt bằng lưới kéo đáy trong các khu bảo tồn biển của họ.
Một báo cáo hồi tháng 3 cho thấy hành vi 'phá hoại' vẫn đang diễn ra ở 90% tổng số khu bảo tồn biển ngoài khơi ở EU.
Hiện tại, chỉ 7-8% đại dương được bảo vệ và chỉ 3% thuộc danh mục “được bảo vệ cao”.