Ông Trump đã áp dụng mức thuế 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, và áp mức thuế cao hơn đối với một số quốc gia mà Mỹ đang ‘thâm hụt thương mại’.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt giải thích rằng, Nga bị loại trừ vì nước này đã phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, "ngăn cản bất kỳ hoạt động thương mại có ý nghĩa nào" giữa hai quốc gia.
Bà Leavitt nói thêm rằng, Nga vẫn có thể phải đối mặt với "các lệnh trừng phạt bổ sung mạnh hơn".

Bất chấp sự miễn trừ này, thương mại giữa Mỹ và Nga vẫn cao hơn so với các quốc gia như Mauritius và Brunei, những quốc gia có tên trong danh sách của tổng thống Trump.
Theo Business-standard, năm 2021, thương mại song phương Mỹ - Nga đạt giá trị 35 tỷ đô la. Đến năm 2024, con số này đã giảm mạnh xuống còn khoảng 3,5 tỷ đô la do lệnh trừng phạt của Mỹ áp đặt sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Sự miễn trừ được thực hiện khi Tổng thống Nga Vladimir Putin được cho là đã thúc giục ông Trump dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt như một phần của cuộc đàm phán ngừng bắn với Ukraine do Mỹ làm trung gian.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump gần đây bày tỏ sự thất vọng với ông Putin, tuyên bố rằng ông "rất tức giận" và "bực tức" vì các cuộc đàm phán ngừng bắn bị đình trệ với Ukraine.

Mỹ sẽ áp thuế quan 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào nước này, song sẽ áp các mức thuế cao hơn nhiều đối với các đối tác thương mại có mức thâm hụt thương mại lớn với Mỹ.
Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu mức thuế 20-26%...
Biểu thuế 10% với mọi hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 5/4, trong khi các mức thuế cao hơn dự kiến có hiệu lực từ ngày 9/4.
Ngoài Nga, có hai nền kinh tế lớn khác không nằm trong danh sách áp thuế đối ứng của ông Trump là Canada và Mexico.