Chờ...

Thái Lan chống lừa đảo trực tuyến như thế nào?

VOH - Thái Lan vừa phát động chiến dịch nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số chống lừa đảo.

Hoạt động nhằm trang bị kỹ năng giúp người dùng cảnh giác, nhận diện và xử lý vấn đề lừa đảo trực tuyến.

Chiến dịch #ThaisAware là sự hợp tác giữa nhà điều hành nền tảng video dạng ngắn TikTok, Bộ Kinh tế và Xã hội Số (DES), Văn phòng Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng, Ngân hàng trung ương Thái Lan (BoT), Cục Điều tra Trung ương, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), Cơ quan Phát triển Giao dịch Điện tử (ETDA), Dự án COFACT và Hội đồng người tiêu dùng Thái Lan.

Theo chiến dịch, các cơ quan chính phủ và tổ chức xã hội dân sự sẽ đưa ra nội dung giáo dục dựa trên chuyên môn của họ.

CHong lua dao Thai lan
Ảnh: nationthailan

BoT và SEC sẽ đóng vai trò then chốt trong việc giáo dục và nâng cao nhận thức về các hành vi lừa đảo trong các giao dịch tài chính như lừa đảo cho vay, lừa đảo đầu tư hoặc lừa đảo tình cảm.

Ủy ban bảo vệ người tiêu dùng và Hội đồng người tiêu dùng sẽ hợp tác để cung cấp kiến thức về cách thức hành động khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, bao gồm cả trường hợp người tiêu dùng nhận được sản phẩm không công bằng hoặc kém chất lượng.

Chiến dịch này cho phép người dùng TikTok trên toàn quốc tạo nội dung của họ và đặt hashtag #ThaisAware trên đó để truyền đạt các cảnh báo và nâng cao kỹ năng chống gian lận số.

Việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về kỹ thuật số trong công chúng được cho sẽ là yếu tố then chốt trong việc chống lại hành vi lừa đảo trực tuyến dai dẳng.

Lừa đảo trực tuyến gây ra mối đe dọa đa chiều đối với người tiêu dùng Thái Lan, đặc biệt là người dùng mạng xã hội thiếu nhận thức về mối nguy hiểm trực tuyến.

Trích Cục điều tra tội phạm mạng, TikTok lưu ý rằng 700 vụ lừa đảo và gian lận đã xảy ra hàng ngày, với 40% liên quan đến tội phạm thương mại điện tử. Có tới 19.960 khiếu nại trực tuyến đã được báo cáo cho ETDA trong nửa đầu năm nay.

Các vấn đề được báo cáo nhiều nhất là lừa đảo mua sắm trực tuyến (43,44%), tiếp theo là các trang web bất hợp pháp (31,27%) và các vấn đề khác như lừa đảo đầu tư, gian lận việc làm trực tuyến và bảo vệ dữ liệu cá nhân (25,29%).