Theo đánh giá sơ bộ của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu, tháng 8 vừa qua có thể đã ghi nhận mức nhiệt độ trung bình cao nhất trong lịch sử.
Dữ liệu từ C3S cho thấy, mặc dù con số chính thức về nhiệt độ toàn cầu của tháng 8/2024 chưa được công bố, nhưng nhiệt độ trung bình dự kiến sẽ vượt mức 16,82 độ C – con số kỷ lục của tháng 8/2023.
Đây là tháng thứ 13 liên tiếp mà thế giới chứng kiến nắng nóng vượt mức bình thường, cho thấy xu hướng ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Từ Mỹ đến Mexico, Châu Âu, Trung Đông và Nam Á, đợt nắng nóng nghiêm trọng đã dẫn đến cái chết của hơn một ngàn người, cảnh báo sức khỏe khẩn cấp và buộc nhiều trường học phải đóng cửa.
Các quốc gia như Australia, Nhật Bản, một số tỉnh của Trung Quốc và quần đảo Svalbard giữa Na Uy và Bắc Cực cũng ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 8.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nhiệt độ kỷ lục này là biến đổi khí hậu do hoạt động của con người, chẳng hạn như phát thải khí nhà kính từ sản xuất và tiêu dùng.
Những hoạt động này đã làm gia tăng hiệu ứng nhà kính, khiến nhiệt độ trái đất ngày càng cao. Hệ quả là chúng ta đang chứng kiến những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xuất hiện với tần suất và cường độ cao hơn.
Tình trạng nắng nóng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người mà còn gây ra các tác động tiêu cực khác như hỏa hoạn, khô hạn, và thiệt hại cho mùa màng.