Đăng nhập

Thế giới tuần qua

(VOH) - Tuần qua mặc dù không nằm ngòai dự đóan, nhưng việc Iran liên tiếp phóng thử các tên lửa tầm xa và tầm trung, trong đó có tên lửa Shahab 3 tầm bắn 2.000 km đã làm thế giới quan tâm, nhất là trong tình hình hiện nay.
Thế giới tuần qua
 
(VOH) - Tuần qua mặc dù không nằm ngòai dự đóan, nhưng việc Iran liên tiếp phóng thử các tên lửa tầm xa và tầm trung, trong đó có tên lửa Shahab 3 tầm bắn 2.000 km đã làm thế giới quan tâm, nhất là trong tình hình hiện nay. Trên lý thuyết, Shahab 3 với tầm bắn trên sẽ đe dọa trực tiếp tới Israel và các căn cứ quân sự của Mỹ trong khu vực, nơi chỉ cách Iran khoảng 1.000 km. 
 
img thumbXem toàn màn hình

Iran thử tên lửa Shahab 3 tầm bắn 2.000 km. Ảnh: Reuters

Lấy cớ trên, bà Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice tuyên bố rằng điều này chứng minh việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở Ba Lan và một trạm radar ở CH Czech là cần thiết. Mỹ còn cho rằng khi Shahab 4 hoàn thành, nó có thể chạm tới cả châu Âu.
 
Các bức ảnh được cung cấp cho truyền thông thế giới cho thấy 4 quả tên lửa, nhưng sau đó lại xuất hiện một bức ảnh khác cho thấy chỉ có ba quả xuất phát khỏi giàn phóng và một quả bị lép, nhiều người cho rằng bức ảnh công bố đã bị làm giả.
 
Một chuyên gia về tên lửa của Mỹ nói rằng Iran đã sửa bức ảnh để che giấu sự thất bại của một quả tên lửa và đánh giá rằng Iran đã nói quá lên về khả năng tầm bắn của loại tên lửa này.
 
Trong cuộc hội đào tại Hội nghị G8 ở Hokkaido, Tổng thống Mỹ George Bush và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev vẫn bất đồng trong vấn đề lá chắn tên lửa.
 
Sau vụ thử tên lửa của Iran và phát biểu của bà Rice, bộ trưởng quốc phòng Robert Gates lại phát biểu hết sức ngọai giao rằng Mỹ và Iran không tiến gần đến khả năng xung đột vũ trang sau khi Iran thử tên lửa tầm xa và tầm trung cho dù nó làm tăng nguy cơ xung đột giữa hai nước.
 
Về phía Iran, trong chuyến tham dự hội nghị Thượng đỉnh nhóm 8 nước Hồi giáo đang phát triển ở Malaysia Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad khẳng định sẽ không có một cuộc chiến tranh nào xảy ra giữa Iran và Israel. Tuy nhiên, ông Ali Shirazi, trợ lý cấp cao của lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei cảnh báo Iran sẽ đốt cháy Tel Aviv và các hạm đội của Mỹ trong khu vực nếu Mỹ và Israel tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran.
 
Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov lại tỏ ra bình tĩnh hơn, ông cho rằng sau các vụ thử tên lửa của Iran cho thấy kho vũ khí của Iran là có giới hạn và việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa ở châu Âu là không cần thiết”.
 
Tuần qua Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển G8 tại Hokkaido đã tập trung thảo luận các biện pháp giảm thiểu biến đổi khí hậu toàn cầu, tình hình kinh tế, tài chính thế giới và những vấn đề sống còn như an ninh, chính trị.
 
Lãnh đạo G-8 đã đi đến thống nhất việc cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống còn một nửa vào năm 2050 nhằm đối phó với hiện tượng Trái đất đang ấm dần.
Tuy nhiên, trong khi vạch được mục tiêu dài hạn như trên, các nhà lãnh đạo G-8 lại không đưa ra được các mục tiêu ngắn và trung hạn về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
 
Về vấn đề kinh tế, tài chính, các nhà lãnh đạo G-8 cùng ngày đã thảo luận những vấn đề và thách thức đối với nền kinh tế toàn cầu liên quan đến giá dầu mỏ tăng cao, sự không ổn định của hệ thống tài chính thế giới và những vấn đề về thị trường lương thực.
 
Về an ninh toàn cầu, các đại biểu G-8 đã thảo luận các vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân liên quan đến Iran, CHDCND Triều Tiên, vấn đề hòa bình ở Trung Đông, tình hình Zimbabwe, Sudan và Myanmar. Mặc dù hội nghị đã đưa ra hàng loạt tuyên bố về giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới, nhưng trên thực tế, theo đánh giá của các nhà phân tích, hầu hết không có tính đột phá và bỏ qua nhiều điểm nóng. Điều này, một lần nữa, cho thấy giữa lời nói và việc làm của họ còn cả một khoảng cách.
 
Nhiều chuyên gia phân tích nhanh chóng chỉ ra rằng, một thỏa thuận mà không có các mục tiêu ngắn hạn thì sẽ chẳng khiến người ta nghiêm túc thực hiện các cam kết dài hạn.
Và ngay cả trong mục tiêu dài hạn, cam kết của G8 dường như cũng chẳng hề vững vàng khi họ muốn đưa các quốc gia đang phát triển vào cuộc.
 
Các lợi ích kinh tế cũng là nguyên nhân chính đứng sau sự thất bại của G8 trong hành động về thay đổi khí hậu, phản ánh tình trạng tiến thoái lưỡng nan mà họ đang lâm vào khi vừa phải giải quyết các vấn đề toàn cầu, vừa phải chú trọng đến lợi ích riêng.
 
Trước khi hội nghị G8 bắt đầu, người ta hy vọng rằng các lãnh đạo của nhóm sẽ có nhiều động thái mới trong nỗ lực giải quyết những vấn đề nêu trên. Tuy nhiên, tuyên bố của họ không được như mong đợi. Hội nghị hầu như không đả động gì tới các vấn đề Iraq, Afghanistan và xung đột Israel - Palestine. Thay vào đó, họ dồn hết giấy mực cho quyết tâm chống khủng bố và ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.
 
V.Kha
Bình luận