Lệnh cấm có hiệu lực đến hết năm 2024 và là Lệnh cấm nghiêm ngặt nhất trong một loạt các lệnh hạn chế đối với loại pháo rất phổ biến này.
"Sẽ có lệnh cấm hoàn toàn việc sản xuất, lưu trữ, bán... và đốt tất cả các loại pháo nổ" - Ủy ban Kiểm soát Ô nhiễm Delhi cho biết trong một tuyên bố.
Lệnh này được đưa ra nhằm mục đích "vì lợi ích chung trong việc hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng", thông báo cho biết.
Lệnh cấm được đưa ra 2 tuần trước Diwali, lễ hội ánh sáng của người Hindu vào ngày 1/11, khi nhiều người coi pháo hoa là một phần không thể thiếu trong lễ kỷ niệm.
Lễ hội ngoạn mục và đầy màu sắc này tượng trưng cho chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối, tôn vinh nữ thần Hindu Lakshmi.
Những hạn chế trước đây ở thành phố lớn với khoảng 30 triệu dân này thường xuyên bị phớt lờ. Cảnh sát cũng miễn cưỡng hành động chống lại những người vi phạm, vì những tín đồ đạo Hindu gắn bó sâu sắc với loại pháo này.
Nhưng năm nay, chính quyền thành phố Delhi đã thúc giục cảnh sát tiểu bang thực thi lệnh cấm, yêu cầu họ nộp "báo cáo hành động thực hiện hàng ngày".
New Delhi bị bao phủ trong lớp sương mù dày đặc mỗi mùa thu, chủ yếu là do việc đốt rơm rạ của nông dân ở các vùng lân cận, nhưng lượng pháo hoa bắn vào dịp lễ Diwali càng làm trầm trọng thêm vấn đề.
Nồng độ các hạt bụi mịn - các hạt vi mô gây ung thư được gọi là chất ô nhiễm PM2.5 xâm nhập vào máu qua phổi - thường cao gấp 30 lần giới hạn nguy hiểm của Tổ chức Y tế Thế giới tại thành phố này.
Một báo cáo của Lancet năm 2020 cho biết, gần 17.500 người tử vong ở Delhi vào năm 2019 vì ô nhiễm không khí.