Thủ đô ô nhiễm nhất thế giới ở Ấn Độ trở nên trong lành nhờ lệnh phong tỏa

(VOH) - Người dân thủ đô New Delhi ở Ấn Độ đang tận hưởng bầu không khí trong lành, khi các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn lây lan dịch bệnh Covid-19 đã giúp cắt giảm đáng kể mức độ ô nhiễm nơi đây.

New Delhi đứng đầu danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong nhiều năm liên tiếp, theo dữ liệu từ IQ AirVisual - tổ chức từ Thụy Sĩ chuyên thu thập và tổng kết các dữ liệu về chất lượng không khí trên toàn cầu.

Tuy nhiên vào thời gian gần đây, khi tất cả phương tiện giao thông và công trình xây dựng đều ngừng hoạt động, không khí trong lành đã trở lại với người dân nơi đây. Đây được xem là một trong những mặt tích cực mà lệnh phong tỏa toàn quốc ở Ấn Độ mang lại trong phòng chống lây lan dịch bệnh Covid-19.

Lâu nay, các tổ hợp hoạt động kinh tế từ nhà xưởng công nghiệp, nông nghiệp và khí thải từ các phương tiện giao thông đã khiến thủ đô New Delhi và hàng chục thành phố khác ở Ấn Độ luôn trong tình trạng chìm sâu trong lớp sương mù đặc quánh vì ô nhiễm.

Tuy nhiên, trong vòng 25 ngày đầu tiên của lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực từ ngày 22/3 vừa qua, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong một mét khối không khí đạt chỉ số trung bình 44,18 và xếp loại “Tốt” - mức độ an toàn nhất trong thang đánh giá. Đây cũng là mức đánh giá tốt nhất từ trước đến nay kể từ khi Ấn Độ chính thức bắt đầu thu thập dữ liệu về chất lượng không khí.  

Chỉ số này đã có sự sụt giảm đáng kể so với mức 81,88 - được lấy dữ liệu trong khoảng thời gian một năm trước đây (22/3-15/4/2019) từ phân tích của cơ quan kiểm soát ô nhiễm của Nhà nước.  Trong khi đó, dữ liệu từ IQ AirVisual cho biết nồng độ bụi mịn PM2.5 trung bình trong một mét khối không khí ở New Delhi năm 2019 lên đến 98,6.

Hình ảnh trái ngược của bầu trời tại cùng một địa điểm ở New Delhi, Ấn Độ. Ảnh trên được chụp vào tháng 11/2018, bầu trời đặc quánh sương mù vì ô nhiễm. Ảnh dưới được chụp vào ngày 8/4/2020 cho thấy bầu trời trong vắt, nồng độ bụi mịn xuống mức thấp kỷ lục. Nguồn: Reuters

Thủ đô của Ấn Độ hiện có gần 10 triệu phương tiện giao thông - nhiều hơn số phương tiện ở 3 thành phố lớn khác là Mumbai, Chennai và Kolkata cộng lại. Khí thải từ phương tiện giao thông và các công trình xây dựng là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí trầm trọng lâu nay ở New Delhi.

Bên cạnh đó, việc chính phủ áp dụng lệnh phong tỏa, đóng cửa gần như hoàn toàn nền kinh tế trị giá 2.900 tỷ USD đã làm giảm đáng kể lượng tiêu thụ xăng dầu và năng lượng, từ đó giúp kéo giảm mạnh mức độ ô nhiễm.

Theo tính toán, hiện tại cứ 12 nhà máy nhiệt điện than trong vòng bán kính 300km ở New Delhi thì đã có đến 11 nhà máy đóng cửa ngừng hoạt động. Lượng tiêu thụ dầu diesel cũng giảm mạnh gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định chất lượng không khí được cải thiện như hiện nay sẽ kéo dài không lâu. Mức độ ô nhiễm sẽ tăng trở lại khi chính phủ dỡ bỏ lệnh phong tỏa và các hoạt động kinh tế xã hội trở lại bình thường, dự kiến đến hết ngày 3/5 sắp tới.

Vimlendu Jha - một chuyên gia môi trường nhận định: “Sau lệnh phong tỏa, chúng ta sẽ thấy nhiều gói kích thích hỗ trợ kinh tế xuất hiện, tuy nhiên điều tôi lo sợ nhất chính là môi trường sẽ là nạn nhân đầu tiên của các hoạt động này.”

Bình luận