Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ đô Washington Mỹ áp lệnh giới nghiêm để đối phó với người biểu tình

(VOH) - Thủ đô Washington Mỹ áp lệnh giới nghiêm để đối phó người biểu tình. Như vậy đến nay đã có hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm.

Thị trưởng Washington Muriel Bowser ra lệnh giới nghiêm tối 31/5 và huy động Vệ binh Quốc gia hỗ trợ cảnh sát đối phó người biểu tình dù trước đó bà cho biết sẽ không áp đặt lệnh giới nghiêm.

Lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 23h ngày 31/5 đến 6h sáng ngày 1/6, được áp dụng nhằm đối phó người biểu tình tập trung gần Nhà Trắng.

Hàng trăm người đã tập trung bên ngoài Nhà Trắng trong nhiều ngày liền để phản đối chính quyền và bày tỏ ủng hộ với George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5 ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota.

Tình hình trở nên căng thẳng khi có người đập vỡ kính một xe cảnh sát, khiến lực lượng an ninh phản ứng bằng cách bắn hơi cay và lựu đạn choáng về phía đám đông. Tổng thống Mỹ Donald Trump được đưa xuống hầm tổng thống để đảm bảo an toàn.

George Floyd, biểu tình

Các cuộc biểu tình bạo lực xung quanh cái chết của George Floyd nổ ra ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ (Ảnh: Reuters) 

Hiện nay, đã có 3 bang gồm Arizona, Texas và Virginia của Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp để tăng khả năng huy động nhân lực và trang bị nhằm giải quyết tình trạng bạo lực và hôi của.

Ngoài ra, hơn 40 thành phố tại Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm. Khoảng 5.000 lính Vệ binh Quốc gia được triển khai tới thủ đô Washington và 15 bang, trong khi 2.000 lính dự binh đang sẵn sàng cơ động. 

Một số người đã chết vì bạo lực liên quan đến biểu tình. Tại Indianapolis, một người chết và ba người bị thương sau khi có người nổ súng vào đám đông biểu tình. Tại St. Louis vào sáng sớm 31/5, một người đàn ông chết sau khi những người biểu tình chặn Xa lộ Liên 44, đốt phá và cố gắng hôi của từ một chiếc xe tải FedEx. Tại Chicago, 6 người bị bắn và một người bị giết vào tối 30/5. 

George Floyd, sống ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, tử vong tại bệnh viện hôm 25/5, sau khi bị cảnh sát da trắng Derek Chauvin ghì chặt đầu gối lên gáy hơn 9 phút trong vụ bắt người liên quan cáo buộc sử dụng tiền giả.

Khi cận kề cái chết, Floyd kêu lên thảm thiết rằng anh "không thể thở", giống lời cuối cùng của Eric Garner, người đã chết năm 2014 dưới tay cảnh sát New York và trở thành nguồn cơn phong trào "Coi trọng mạng sống của người da màu" (Black Lives Matter).

Ngày hôm sau, video được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội, làm nổ ra các cuộc biểu tình ở thành phố Minneapolis.

Các cuộc biểu tình "Tôi không thể thở" khởi phát từ Minneapolis hiện lan rộng khắp nước Mỹ. Hàng trăm người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị phá hoại. 

Cảnh sát Chauvin đã bị truy tố tội giết người cấp độ ba và ngộ sát do bất cẩn, nhưng nhiều người chưa thỏa mãn với tội danh này. 

Biểu tình tái diễn ở Hong Kong, hơn 200 người bị bắt giữ - Giới chức Hong Kong ngày 11/5 cho biết 230 người đã bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình đòi dân chủ diễn ra vào cuối tuần qua tại các trung tâm thương mại và một số tuyến phố của đặc ...

Mỹ: Biểu tình nổ ra khắp nơi yêu cầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế - Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra ở nhiều tiểu bang tại Mỹ, yêu cầu thống đốc các tiểu bang mở cửa trở lại nền kinh tế đang bị đóng băng bởi đại dịch Covid-19.

Tổng thống Brazil biểu tình phản đối 'ở nhà' của các thống đốc - Tổng thống Brazil tham gia đoàn biểu tình hàng trăm người bên ngoài doanh trại quân đội ở thủ đô Brasilia vào ngày 19/4 để phản đối chỉ thị yêu cầu "ở nhà" của một số thống đốc bang.

Bình luận