Tiêu điểm: Nhân Humanity

Thủ tướng Ba Lan cảnh báo: Châu Âu trong 'kỷ nguyên tiền chiến'

VOH - Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk cảnh báo, châu Âu đang ở “thời kỳ tiền chiến tranh” nhưng vẫn còn “một chặng đường dài phía trước” trước khi sẵn sàng đối đầu với mối đe dọa từ Nga.

“Chiến tranh không còn là khái niệm từ xưa nữa. Đó là sự thật và nó đã bắt đầu từ hơn hai năm trước. Điều đáng lo ngại nhất lúc này là bất kỳ kịch bản nào cũng có thể xảy ra. Chúng tôi chưa từng chứng kiến ​​tình huống như thế này kể từ năm 1945”, ông Tusk nói trong cuộc phỏng vấn với tờ báo Đức Die Welt xuất bản hôm 29/2.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk - Ảnh: Getty
Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk - Ảnh: Getty

“Tôi biết điều này nghe có vẻ tàn khốc, đặc biệt đối với thế hệ trẻ, nhưng chúng ta phải làm quen với thực tế là một kỷ nguyên mới đã bắt đầu: kỷ nguyên trước chiến tranh. Tôi không phóng đại, nó đang trở nên rõ ràng hơn mỗi ngày” – ông Tusk nói.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, các nhà lãnh đạo và quan chức quân sự châu Âu ngày càng lo ngại rằng cuộc xung đột có thể lan sang các quốc gia khác ở biên giới nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần phủ nhận việc Nga có ý định tấn công các nước NATO.

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đảo ngược trật tự địa chính trị thời hậu Chiến tranh Lạnh, buộc châu Âu phải nghiêm túc thực hiện biện pháp phòng vệ sau nhiều thập kỷ ngân sách quân sự bị thu hẹp và khiến nhiều nước phải thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn.

Thụy Điển và Phần Lan gần đây đã gia nhập NATO - điều mà cho đến hai năm trước vẫn chưa thể tưởng tượng được đối với hai quốc gia Scandinavi nổi tiếng trung lập này.

Ở vùng Baltic, Estonia và Lithuania đã tăng cường ngân sách quốc phòng vượt xa cam kết tối thiểu 2% GDP của NATO. Và Moldova, giáp biên giới Ukraine đang trên con đường tăng tốc gia nhập Liên minh châu Âu.

Trong khi đó, bộ ba Pháp, Đức và Ba Lan – được gọi là “Tam giác Weimar” – đang dẫn đầu các nỗ lực của lục địa này nhằm tái vũ trang và tự bảo vệ mình.

Ba Lan, nằm giữa Đức và Nga, từ lâu đã nhận thức được tầm quan trọng của nền phòng thủ vững chắc. Năm nay, ngân sách quân sự của Ba Lan chiếm hơn 4% GDP – gấp đôi mức hướng dẫn của NATO. Nước này cũng đã chào đón hàng triệu người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xung đột.

Cuối tuần trước, Ba Lan cho biết, một tên lửa hành trình của Nga nhắm vào Ukraine đã xâm nhập không phận của họ - một sự việc lặp lại trong hơn 2 năm qua – và nước này đã yêu cầu Moscow giải thích.

Bình luận